Sống giữa chốn rừng sâu, nước độc, với khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên người Cơ-ho rất chú trọng đến các gia vị bổ trợ mang tính cay, nóng như ớt (mré), gừng (ca), riềng (ca yòng)... để chế biến thành món ăn. Theo đồng bào Cơ-ho, cà đắng nấu với da trâu là món ăn có thể giúp cơ thể con người không bị thống phong, thấp khớp hay đau nhức xương. Người Cơ-ho nhờ ăn món cà đắng da trâu nên có cơ thể chắc khỏe, dẻo dai và vì thế mà đi rừng, làm rẫy cả ngày vẫn không mỏi cái chân, không đau cái lưng.
Để có một nồi cà đắng da trâu đúng kiểu, ngon hoàn chỉnh, người chế biến phải rất kỳ công. Đầu tiên là khâu chọn cà và da trâu. Trái cà đắng phải là trái ngon nhất, không quá già mà cũng không quá non. Da trâu tốt nhất tầm 3 tuổi. Củi đốt là loại củi cháy đượm, không khói, than giữ nhiệt lâu đủ để giữ cho nồi cà đắng da trâu sôi lục bục trong một thời gian dài. Nguyên liệu đã sẵn, khâu tiếp theo là chế biến. Tùy vào da trâu mới (tươi) hay cũ (khô) mà người Cơ-ho sẽ có cách thức chế biến khác nhau.
Nếu da trâu khô, trước tiên là mang nướng trên ngọn lửa hồng rồi dùng dao sắc cạo sạch lông. Kế đến, lấy sống dao đập dập cho đến khi da trâu mềm thì dùng nước rửa sạch. Tiếp theo, cắt da trâu thành từng miếng cỡ 2 ngón tay rồi thêm nước bỏ vào nồi đem đun sôi cho mềm. Sau đó, loại bỏ nước này nhiều lần cho đến khi nước trong, thì mới cho thêm xương, cà đắng nguyên trái vào và tiếp tục nổi lửa. Cứ thế, đun cho đến khi cả cà đắng và da trâu đều chín nhừ thì mới bắt đầu nêm bột ngọt, muối là có thể ăn được. Tất nhiên, nấu món cà đắng da trâu nhất thiết phải có ớt xanh và lá lốt thật nhiều. Như thế, vị cà mới trọn vẹn. Bởi vậy, nhiều người cho rằng, ăn cà đắng da trâu phải toát mồ hôi hột thì mới thật sự chạm được vào nét đặc trưng ẩm thực Tây Nguyên.
Món này có mùi thơm của lá lốt, vị cay nồng của ớt, vị đắng đậm của cà và có cả vị thơm bùi của da trâu, tạo nên một hương vị rất riêng, mang đậm khí chất đồng bào vùng núi.