Mo Mường là di sản văn hóa độc đáo, gắn với đời sống của đồng bào Mường, từ lúc sinh ra, trưởng thành cho đến khi qua đời. Đây là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường. Nội dung Mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa.
Mo Mường gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất.
Hiện nay, Mo Mường được sử dụng chủ yếu trong các tang lễ hay nghi thức cầu sức khỏe, bình an của người Mường.
Thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di sản Mo Mường hiện có tại 7 tỉnh, thành phố. Trong đó, riêng tại Hà Nội, tập quán được thực hiện tại nhiều xã có người Mường sinh sống thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, với các tên gọi khác nhau, như: Bài cúng ma - cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, huyện Ba Vì; tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất…
Theo kết quả đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội”, hiện trên địa bàn Hà Nội chỉ còn 7 thầy mo đang thực hành Mo Mường thường xuyên. Trước thực trạng này, Thành phố đang triển khai nhiều biện pháp bảo tồn Mo Mường. Trong đó, chủ động phối hợp các ban, ngành Trung ương, các cơ quan liên quan và địa phương có di sản Mo Mường xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.