Trong số những vụ sạt lở đất đau xót cuối tháng 10 tại Quảng Nam, Trà Leng (Nam Trà My) có lẽ là cái tên in đậm đau thương nhất. Nơi ấy có đến 53 người dân tại thôn 1 gặp nạn. Vụ sạt lở đất đã cướp đi mạng sống của 22 người dân Trà Leng, trong đó có 14 người chưa rõ tung tích.
Tôi đã đến Trà Leng, đã gặp những phận người bên đống đổ nát mà không thôi xót xa, đau đớn. Cách hiện trường vụ sạt lở tại thôn 1 chừng 30m, trên một lùm đất cao là mấy ngôi mộ vừa mới đắp lên, khói hương nghi ngút.
Mấy ngày trước, gia đình cụ Hồ Văn Đề còn rộn rã tiếng nói cười, mà nay phải đau đớn tiễn biệt 8 người thân yêu của mình. Bên nấm mồ lạnh lẽo, cụ Đề vật vờ như người mất hồn. Và, chúng tôi, cũng đã khóc khi lắng nghe tiếng lòng của người đàn ông ấy: “Tôi chẳng còn ai. Con dâu, con rể, con đẻ, cháu… mất hết rồi. Nhưng mới chỉ tìm thấy 2 đứa, 6 đứa khác chưa tìm thấy”.
Kế bên, người phụ nữ Hồ Thị Hòa cũng đã cạn nước mắt vì khóc thương người thân gặp nạn. Hòa làm thuê ở TP. Tam Kỳ (Quảng Nam). Khi hay tin bão số 9 sẽ vào, Hòa xin nghỉ làm về quê. Về đến đầu làng, Hòa chẳng thể gắng gượng nổi. “Suốt mấy ngày rồi, cha mẹ và con vẫn còn nằm dưới đất lạnh”, Hòa nức nở không thành tiếng.
Cách Trà Leng nhiều dãy núi, đồng bào Ca Dong ở Trà Vân (Nam Trà My) và Phước Lộc (Phước Sơn) cũng đã cạn khô nước mắt trước nỗi đau đớn khôn nguôi. Trà Vân (Nam Trà My) có đến 8 người bị vùi lấp; rồi Phước Lộc 13 người bị vùi lấp và vẫn còn 8 người chưa được tìm thấy tại thôn 1 và thôn 3. Đã nhiều ngày trôi qua kể từ sau khi sạt lở đất, hiện trường vẫn bị cô lập. Máy móc chưa thể tiếp cận, lực lượng tại chỗ cùng người dân địa phương phải dùng tay đào bới dưới đống đổ nát để kiếm tìm những người mất tích. Mọi nỗ lực ấy mới chỉ tìm thấy 5/13 thi thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu trầm tư: Toàn tỉnh có 22 người chết, 46 người bị thương và vẫn còn 24 người mất tích, trong đó huyện Nam Trà My 15 người, huyện Phước Lộc 8 người, huyện Hiệp Đức 1 người. Quá đau buồn.
Cuộc sống của đồng bào các huyện vùng cao Nam Trà My, Phước Lộc vốn đã khó khăn, nay càng thêm khốn đốn. Mất người, mất của, tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước, theo bùn đất khiến nhiều hộ trắng tay, lâm cảnh màn trời chiếu đất.
4 ngày sau sạt lở đất, hiện trường tại xã Phước Lộc vẫn chưa thể tiếp cận. Rất nhiều phương án tiếp cận, ứng cứu với địa bàn Phước Lộc đã được vạch ra tại sở chỉ huy tiền phương xã Phước Công nhưng vẫn chưa thành.
Sáng ngày 1/11, các lực lượng sử dụng máy bay thả hàng cứu trợ kết hợp chia người cắt rừng gùi hàng vào các xã cô lập do sạt lở như Phước Lộc, Phước Thành. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam thông tin: Chỉ 1km đã có đến hơn 10 điểm sạt lở, rất khó khăn để tiếp cận. Nếu thời tiết thuận lợi cũng phải mất gần 1 tuần mới thông đường, còn trời tiếp tục mưa thì chắc sẽ còn rất lâu.
Xã Phước Lộc cách trung tâm huyện Phước Sơn gần 50km đường rừng, riêng thôn 3 cách trung tâm xã Phước Lộc khoảng 15km; việc tiếp cận hiện trường gặp khó khăn do sạt lở nghiêm trọng. Trước thực tế này, ngành chức năng Quảng Nam đang tìm mọi cách thông tuyến từ xã Phước Chánh lên Phước Kim, Phước Thành rồi đi vào xã Phước Lộc để đẩy nhanh tiến độ cứu nạn.
Tuy nhiên, các huyện vùng cao Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) trời vẫn đang đổ mưa từng đợt. Đồng nghĩa với nguy cơ sạt trượt, lũ quét tiếp tục đe dọa lực lượng chức năng trên hành trình tiếp cận hiện trường và kiếm tìm người mất tích.