Hiện nay, Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được quy định tại Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15/6/2023 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Chính sách này không phân biệt đối với người học trường công lập hay ngoài công lập.
Đối với người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập: Cơ chế miễn, giảm học phí được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP: Nhà nước cấp trực tiếp tiền miễn, giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí.
Phương thức chi trả tiền miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 1, Điều 22, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Trên cơ sở đó, Phòng LĐ, TB&XH địa phương chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí miễn, giảm học phí trực tiếp cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức kinh tế.
Đối với người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Cơ chế miễn, giảm học phí được thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 20 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP: Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí đối với người học thuộc các đối tượng miễn, giảm học phí.
Phương thức cấp bù tiền miễn, giảm học phí quy định tại Khoản 1, Điều 21, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP: Kinh phí thực hiện cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho cơ sở giáo dục công lập được ngân sách Nhà nước cấp hằng năm theo hình thức giao dự toán.