Sinh năm 1951, năm nay gần 70 tuổi, nhưng ông Trương Quốc Đô vẫn như “mãnh hổ” giữ rừng ở vùng miền sơn cước Minh Hóa. Lâm tặc nơi đây khi nhắc đến ông thường nói lảng tránh qua chuyện khác, bởi không ít người trong số họ đã bị ông đánh đuổi phải vứt cả cưa máy, cưa xăng giữa rừng già.
Căn nhà ọp ẹp của ông nằm ngay sát mép khu rừng Cồn Lim. Nói chuyện với chúng tôi, ông Đô đưa mắt nhìn xa xăm tâm sự; ngày xưa đi đâu cũng gặp rừng, đi đâu cũng gặp đinh, lim, sến, táu, bốn loại gỗ quý hiếm, nhưng rồi theo thời gian gỗ rừng bị chặt phá dần, ông thấy xót xa bởi ông xem rừng như máu thịt của mình.
Nhìn những cánh rừng gỗ lim, gỗ táu bị tàn phá, ông lo cánh rừng Cồn Lim rồi phải chung cảnh ngộ với những cánh rừng xa xa kia. May thay, năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ, điều mà ông Đô từ lâu đã ao ước. Không chần chừ, ông tình nguyện nhận ngay gần 20ha để giữ, chăm sóc và bảo vệ.
Gần 30 năm trăn trở, chăm sóc của ông Đô, đến nay rừng Cồn Lim cây mọc tươi tốt, trở thành cánh rừng già với nhiều loại gỗ quý hiếm. Khu rừng Cồn Lim có nhiều cây lim cổ thụ với tuổi đời trên trăm năm, trị giá nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, những cây lớn có đường kính to khoảng từ 0,5-1m được ông gìn giữ, coi sóc như là “báu vật”.
Sở hữu rừng gỗ lim có giá trị lớn, nhiều lái buôn đã tìm đến nhà ông Đô để hỏi mua nhưng đều nhận được ở ông cái lắc đầu. Nhiều người hỏi mua không được thì dòm ngó, dọa đốn chặt cây rừng. Nhiều năm qua lâm tặc thâm nhập rừng không kể xiết khiến ông và con cháu không ít phen lao đao, vất vả.
Có buổi trưa, ông Đô vừa rời rừng về nhà đang ngồi ăn cơm thì nghe tiếng cưa máy xoèn xoẹt ở góc rừng. Thả vội bát cơm xuống, ông lại tức tốc chạy lên rừng, lần mò theo âm thanh tiếng cưa. Đến nơi thì phát hiện một nhóm lâm tặc gồm 3 người dùng máy cưa và các phương tiện khác chuẩn bị hạ một cây lim cổ thụ. Ông lao vào ôm lấy thân cây, nhóm lâm tặc lôi ông ra. Chúng đánh ông, ông gào lên như con hổ dữ canh rừng, rồi ông dùng cây rừng đánh lại. Chúng đánh ông đến ngất xỉu rồi bỏ đi. Mấy đứa con của ông thấy bố lên rừng lâu không quay lại ăn cơm nên đi tìm và phát hiện đưa ông về.
Trong những năm giữ rừng, không biết bao nhiêu lần phải đối mặt với hiểm nguy, có lần ông bị rắn độc cắn nguy hiểm đến tính mạng phải nghỉ ở nhà cả tháng trời, nhưng ông không bao giờ nản chí.
Ông Trần Mạnh Luật, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa ví von rằng, ông Trương Quốc Đô như một “mãnh hổ” giữa rừng Cồn Lim vậy. Nhờ uy tín, dũng cảm và sự bảo vệ nghiêm ngặt của ông nên hàng chục năm qua đã khiến lâm tặc không dám vào rừng phá nên mới có thành quả như hôm nay.
Tạm biệt rừng lim quý và người giữ rừng đáng kính, trước khi ra về ông Đô bắt tay tôi và nói: “Tôi chỉ mong trời cho sức khỏe để canh giữ cho rừng Cồn Lim. Bởi giữ rừng là giữ cho hậu thế mai sau”.
TUẤN TRÌNH