Đại diện Hợp tác xã chè Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình chè đặc sản với các đại biểu Người có uy tín huyện Võ Nhai (Ảnh: Báo Thái Nguyên).Phát huy vai trò trên các lĩnh vực
Không chỉ là những “hạt nhân” trong công tác tuyên truyền, vận động đồng vào các DTTS, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên còn là những người đi đầu trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, họ còn đóng góp tích cực trong việc giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, chung tay, góp sức trong các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Người có uy tín; tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Ông Phan Thanh HàGiám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên
Minh chứng như ông Lã Văn Dần, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ xóm Đầu Cầu, xã Đức Lương, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), đã vận động đồng bào trong xóm tập trung thâm canh 6ha chè, đưa chè trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Đồng thời, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất chè, nâng cao chất lượng sản phẩm… Nhờ đó, đời sống của 73 hộ dân xóm Đầu Cầu đã được cải thiện đáng kể, hàng chục hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể…
Cũng ở huyện Đại Từ, với cương vị là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, Người có uy tín trong đồng bào DTTS xóm Cầu Trà, xã Yên Lãng- bà Lục Thị Thọ, dân tộc Nùng đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới.
Cùng với Ban công tác mặt trận cơ sở xóm, bà Thọ đã vận động Nhân dân đóng góp sức người sức của xây mới nhà văn hoá theo chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, với tổng giá trị đầu tư của công trình là 780 triệu đồng, trong đó, đồng bào các DTTS đóng góp 540 triệu đồng.
“Được bà con Nhân dân tín nhiệm tin tưởng, bản thân tôi luôn chủ động phát huy vài trò trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng đến việc phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn xóm, bản thân tôi luôn tuyên truyền đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, bà Thọ chia sẻ.
Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát huy tốt vai trò hạt nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. (Ảnh minh họa).Tiếp tục quan tâm chăm lo đội ngũ Người có uy tín
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả các chính sách dành cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để Người có uy tín phát huy vai trò của mình trong việc vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo báo cáo của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên: Từ năm 2024 đến nay, đơn vị đã phát hành 1.468 cuốn sổ tay truyền thông công tác cho Người có uy tín; tổ chức 5 lớp tập huấn, cung cấp thông tin và đưa Người có uy tín đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác. UBND các huyện, thành phố cũng đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng cho gần 500 Người có uy tín.
Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách, bảo đảm quyền lợi và hỗ trợ hoạt động của người có uy tín. Thực hiện cấp Báo Thái Nguyên; Báo Dân tộc và Phát triển số cuối tháng cho 1.170 Người có uy tín trên địa bàn từ tháng 11/2024 đến nay…
Theo chia sẻ của ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên: Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Người có uy tín; tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhờ sự đóng góp tích cực của những Người có uy tín, diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh Thái Nguyên ngày càng khởi sắc. Đến nay, trên 98% xóm thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được kiên cố hoá; 100% các xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% hộ gia đình vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi chỉ còn 5,1%; 100% xã có trạm y tế, trường học kiên cố, được phủ sóng phát thanh, truyền hình và có kết nối thông tin liên lạc hiện đại…