Ý tưởng khởi nghiệp
Nhìn cách Phạm Đình Ngãi tỉ mẩn với những hạt ca cao, không ai nghĩ, một giảng viên ngành Điện lại có lối rẽ bất ngờ sang nông nghiệp. Sinh năm 1989, là Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ Thuật Điện của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Ngãi đã có 3 năm giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng. Có duyên với hạt ca cao rồi vướng vào nghiệp làm socola vài năm, anh bỏ Sài Gòn về Trà Vinh, với quyết tâm lập nghiệp: “Tây Nguyên có cây cà phê thì miền Tây mình có cây ca cao”.
Phát hiện ra hương vị đặc biệt không đâu có được của ca cao Trà Vinh, bởi loại hạt ca cao Criollo xen lẫn trong vùng nguyên liệu có hương vị ngon, độ đắng rất ít, khi rang thường hạt sẽ có màu nâu nhưng loại này vẫn còn giữ được màu trắng đục. Ngãi tự tin các sản phẩm được chế biến từ ca cao ở Trà Vinh có thể khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường.
Dù Đồng Tháp mới là nơi sinh ra, nhưng Ngãi vẫn chọn mảnh đất Trà Vinh, nơi cuộc sống của những người dân vẫn còn nghèo khó, giao thông, các điều kiện khác không thuận lợi để phát triển kinh tế. Ngãi tâm sự: “Có đến gần một nửa người dân ở đây là đồng bào Khmer, cuộc sống của họ còn rất khó khăn. Ngãi muốn giúp đỡ họ, giúp họ nhận ra rằng, mình đang sở hữu vùng đất có thổ nhưỡng, khí hậu cực kỳ phù hợp với cây ca cao-một loài vàng nâu trên đất. Mình muốn tạo ra luồng gió mới trong nông nghiệp chế biến ca cao ở Trà Vinh”.
Mới thành lập chưa đầy một năm, doanh nghiệp Mekong Cacao của Ngãi đang đi những bước đầu tiên nhưng rất vững chắc. Điểm khác biệt mà Mekong Cacao làm, là sản xuất theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra: từ thu mua trái ca cao của nông dân, sơ chế, tự lên men, tách vỏ đến rang, xay… Điều này đảm bảo chất lượng và hương vị ca cao như ý muốn vì độ đồng điệu của sản phẩm cao hơn.
Đặc biệt, biết bơ ca cao là một trong những chất chống oxi hóa tốt và độ thẩm thấu rất cao, có thể trở thành chất dẫn trong các sản phẩm dược, mỹ phẩm, Phạm Đình Ngãi đã kết nối và trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho một số đối tác ngành này.
Tăng giá trị cho cây trồng
Trà Vinh là tỉnh có tổng diện tích trồng dừa lớn thứ hai của Việt Nam (sau Bến Tre) với gần 20 nghìn héc-ta. Trên thực tế, 70-80% trái dừa ở đây được bán khô, giá trị kinh tế thấp.
Theo Phạm Đình Ngãi, cả ca cao và dừa đều thích nghi với biến đổi khí hậu khi vừa có thể chịu khô, vừa có thể chịu lụt mà công chăm sóc lại rất ít. “Mỗi cây ca cao có thể khai thác quả tối đa đến 40 năm tuổi. Phạm Đình Ngãi đã chủ động thực hiện kế hoạch trồng xen canh cây ca cao với dừa để nâng cao giá trị của cả 2 loài cây này trên cùng một diện tích đất. Đồng thời vận người dân tham gia trồng.
Đặc biệt, khi người dân tham gia, Doanh nghiệp của Ngãi cử kỹ sư xuống hỗ trợ nông dân về cây giống, cách trồng và chăm sóc ca cao đồng thời sẽ ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho nông dân. Dự kiến trong 5 năm tới, vùng nguyên liệu này sẽ được mở rộng đến 1000ha.
“Hướng đi này có thể tạo ra vùng nguyên liệu ca cao rất lớn và ổn định cho Trà Vinh, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân. Đây sẽ là cách mình đồng hành với nông dân bền vững nhất và cũng thuyết phục được họ nhận ra giá trị thật sự của cây ca cao”. Ngãi nói.
Hiện nay, các dòng sản phẩm được chế biến từ ca cao của Ngãi đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn như: Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Hà Nội,… và nhận được sự yêu thích của nhiều khách hàng. Đặc biệt, mới đây, Mekong Cacao cho ra mắt thị trường sản phẩm mật hoa dừa.
Phạm Đình Ngãi cho biết, sau khi nghiên cứu, so sánh và đưa vào sản xuất thì thu mật hoa có giá trị gấp 3 lần giá trị hiện tại của cây dừa so với việc thu trái. Loại mật này có mùi vị thơm ngon đặc trưng, rất giàu khoáng chất, vitamin C, B và đặc biệt có chỉ số đường huyết thấp, rất có lợi cho sức khoẻ. Ngãi hy vọng, trong tương lai mọi người sẽ không còn nhìn trái dừa Trà Vinh chỉ để lấy cùi và nước uống nữa.
HỒNG PHÚC