Chọn ngày lành tháng tốt, nhà trai mang sang nhà gái đủ những lễ vật cần thiết để bắt đầu tiến hành lễ cưới theo phong tục. Trong khi các nghi thức được diễn ra trên nhà sàn-nơi phòng tân hôn của cô dâu chú rể, thì ngoài sân, 2 họ tập trung làm cỗ, với những món ăn truyền thống của dân tộc Thái.
Nghi thức đầu tiên là lễ “Trải chăn, đệm”. Để thực hiện nghi lễ này phải chọn ra “4 bà hạnh phúc” gồm: 2 người phụ nữ của họ nhà trai và 2 người phụ nữ của họ nhà gái để tiến hành trải chăn, ga, gối, đệm. Trước đó, cô dâu và chú rể mỗi người phải mua 1 cái đệm. Khi trải đệm thì đệm của cô dâu nằm ở dưới, đệm của chú rể nằm ở trên. “4 bà hạnh phúc” đứng ở 4 góc giường, vừa trải ga, đệm vừa có lời cầu may, hạnh phúc cho cô dâu chú rể (bằng tiếng dân tộc Thái).
Tiếp đến là lễ “Tằng cẩu” hay còn gọi là lễ “búi tóc ngược” để khi ra đường mọi người biết mình đã có chồng. Từ đây, đôi bạn trẻ chính thức trở thành vợ chồng, họ cùng nhau bước vào giường cưới. “4 bà hạnh phúc” bỏ vào trong màn cô dâu, chú rể 1 bé trai và 1 bé gái, sau đó họ cùng nhau uống rượu chúc mừng cô dâu, chú rể hạnh phúc trăm năm, sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh, đủ cả “nếp” lẫn “tẻ”.
Trong lễ cưới còn có nghi lễ “Báo ma nhà” hay còn gọi là làm lý tổ tiên (cò lò hóng) để thông báo với tổ tiên cho con gái đi xây dựng gia đình. Lễ “Tạ ơn” được tiến hành ngay sau khi thầy cúng làm lý tổ tiên xong. Trước khi chú rể có lời cảm ơn bố mẹ vợ, đại diện 2 họ, nhà trai và nhà gái cùng nâng mâm lễ lên rồi đặt xuống 3 lần để gọi 3 hồn, 7 vía của bố mẹ vợ. Xong phần lễ tạ ơn, 2 gia đình nhà trai, nhà gái cùng uống rượu chúc mừng cho cô dâu, chú rể trăm năm hạnh phúc. Tiếp đến, bà con trong bản, bạn bè của cô dâu, chú rể đến chúc mừng hạnh phúc và dự bữa cơm thân mật với gia đình.
Hiện nay, lễ cưới của dân tộc Thái ở Điện Biên đã rút gọn bớt nghi lễ nhưng vẫn giữ được những nét văn hoá độc đáo của dân tộc.
SÔNG LAM