Gia đình bà Hằng vẫn còn hàng nghìn con gà chưa xuất bán đượcHàng chục năm nay, chăn nuôi gà thịt là sinh kế chính của gia đình bà Lê Thị Hằng ở thôn Cốc Mằn, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Hiện, trang trại của gia đình bà Hằng còn hàng nghìn con gà chưa tiêu thụ được nên chưa dám vào đàn. Theo bà Hằng, các thương lái đưa gà từ dưới xuôi lên khiến gà của bà con không tiêu thụ được. Mặc dù, gà nuôi ở vùng cao thịt chắc, thơm ngon nhờ thả đồi, ăn thức ăn phong phú, nhưng giá thành sản xuất vì thế cũng cao hơn gà nuôi trang trại khép kín tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ...
“Bắt đầu từ cuối năm 2024, giá gà đã giảm, nhưng mọi năm theo chu kỳ sau Tết một thời gian ngắn gà sẽ tăng trở lại. Năm trước, gà bán cho thương lái khoảng 50-55 nghìn đồng/kg nhưng năm nay, chỉ khoảng 40-45 nghìn đồng/kg, với giá thành như vậy là rất thấp. Khi không bán được bắt buộc phải nuôi tiếp, khiến đội chi phí chăn nuôi, gà già hơn. Cũng vì thế mà đến nay đã hết tháng 3 rồi nhưng gia đình cũng chưa dám vào đàn mới”, bà Hằng cho biết.
Trên địa bàn xã Xuân Quang, hầu hết các hộ chăn nuôi gà đều nuôi giống gà hồ, gà lai chọi… Với các loại giống này, thì gà đạt 90-100 ngày tuổi mới xuất chuồng. Khó khăn trong khâu tiêu thụ khiến những hộ chăn nuôi gà ở Xuân Quang đang phải nuôi cầm cự, không vào đàn, đầu tư thêm. Có những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ điều chỉnh lượng thức ăn của gà nhưng như vậy gà bị còi cọc, xù lông, không đẹp mã, lại càng khó bán.
“Tình trạng này kéo dài thêm một đến hai lứa nữa, chắc chắn chúng tôi cũng phải tính đến bỏ chuồng, chuyển đổi mô hình. Tuy vậy, bà con nông dân cũng đang mong thị trường tiêu thụ sớm phục hồi để có thể tìm được đầu ra ổn định. Chứ bây giờ nói bỏ cũng cũng chưa biết nuôi con gì, trồng cây gì thay thế…”, bà Hằng tâm sự.
Bà con chủ yếu nuôi giống gà hồ, gà lai chọi Theo ông Trần Đức Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, giá gà xuống quá sâu, người chăn nuôi không đủ tiềm lực vào đàn. Các hộ phụ thuộc vốn ngân hàng, phụ thuộc thức ăn của các đại lý phải cầm chừng để tránh bị thua lỗ.
“Qua thống kê rà soát hằng tháng, tổng đàn của xã chỉ còn khoảng trên 400 nghìn con, cùng thời điểm này năm trước là 700-800 nghìn con. Dù số lượng đàn gà giảm sâu nhưng bà con rất thận trọng trong tái đàn”, ông Khải cho biết thêm.
Tại những trại sản xuất giống trên địa bàn cũng ghi nhận, bà con giảm đàn khiến giá, số lượng con giống xuất bán giảm theo. So với năm trước, sản lượng giống giảm khoảng 1/3. Chu kỳ giảm này được cho là kéo dài và lâu nhất trong những năm gần đây.
Dù số lượng gà nuôi giảm mạnh nhưng bà con nông dân vẫn rất thận trọng khi tái đànHuyện Bảo Thắng là địa phương chăn nuôi gà lớn nhất của tỉnh Lào Cai, với hơn 100 trang trại, gia trại nuôi gia cầm với số lượng khoảng 2,1 triệu con. Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, thì hiện nguồn cung bị thừa nên người dân hạn chế trong việc tái đàn đối với gia cầm. Số gia cầm trên địa bàn đã giảm dưới 2 triệu con, bằng 80-85% so cùng kỳ với năm ngoái.
“Với gia cầm, các tập đoàn đang chăn nuôi theo hướng công nghiệp quy mô rất lớn. Chính vì vậy, khi mở rộng quy mô hoặc tái đàn như hiện nay bà con nông dân phải lựa chọn giống gia cầm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng để có thể cạnh tranh về giá, chất lượng với gà công nghiệp, gà phổ thông…”, ông Hưng khuyến cáo.
Hiện nay, ngành chức năng huyện Bảo Thắng đang tìm nhiều giải pháp đồng bộ, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Trước mắt, huyện đã liên hệ với một số đầu mối để liên kết tiêu thụ, từng bước giúp thị trường gà thịt khởi sắc. Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ các trang trại, gia trại xây dựng thương hiệu; kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến, giúp ngành chăn nuôi nói chung, nuôi gia cầm nói riêng trên địa bàn huyện phát triển bền vững.