Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh cho biết, tín dụng chính sách đã đóng góp quan trọng trong thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới…
Theo đó, tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi là 4.610 tỷ đồng, tăng 2.718 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 143,7%) so với năm 2014. Tổng dư nợ cho vay 19 chương trình tín dụng là 4.602 tỷ đồng, tăng 2.714 tỷ đồng so với năm 2014. Tổng nguồn vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng CSXH đạt 233,7 tỷ đồng, chiếm 5% tổng nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH, tăng 198,1 tỷ đồng so với năm 2014.
Trong 10 năm qua đã có 511.142 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn với số tổng số tiền trên 14.000 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Qua đó, giúp 71.820 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 23.995 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 56.637 lượt người lao động được vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đầu tư xây dựng được 145.995 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng được 9.551 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ, đánh giá những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ giải pháp thực hiện trong năm tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Nghiệm - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò, vị trí, ý nghĩa của tín dụng CSXH, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị 40-CT/TW; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện cần nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách.
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách, chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng CSXH bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh việc trục lợi chính sách; tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp nâng cao trách nhiệm, vai trò nhận ủy thác cho vay, tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH, hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả...