Niềm vui ở làng mới
Những ngày cuối tháng Chạp, vùng cao An Lão mưa rả rích, bảng lảng sương mù, tạo nên không khí u tịch đặc trưng của đại ngàn. Thế nhưng, trái ngược với tiết trời, không khí nhộn nhịp, đầy sức sống toát lên từ mỗi con người ở khu tái định cư (TĐC) An Dũng.
Năm nay, người dân An Dũng phấn khởi ăn Tết vui vẻ, đầm ấm, đủ đầy hơn mọi năm, bởi nhà nào cũng đã xây dựng được nhà mới khang trang, lại dư được hàng trăm triệu đồng từ tiền đền bù, hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng Dự án Hồ thủy lợi Đồng Mít. Ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch UBND xã An Dũng thông tin: Tết năm nay, đồng bào Hrê xã An Dũng rất phấn khởi, vì tại nơi ở mới, cơ sở vật chất khang trang, mọi tiện nghi về cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn nhiều.
Về An Dũng những ngày cận Tết, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người dân diễn ra rộn ràng, nhà nào xây xong thì tất bật thu dọn đồ đạc, bố trí nhà cửa ngăn nắp. Những nhà đang xây dựng thì khẩn trương hoàn thiện để còn đón Tết. Anh Đinh Văn Phiên, sau khi dời nhà cũ đến ở tại thôn 4 khu TĐC này, gia đình anh đã nhận được một khoản tiền đền bù kha khá. “Tôi xây dựng ngôi nhà cấp 4 kiên cố tại nơi ở mới, số vốn còn lại để dành đầu tư cho sản xuất. Tôi tin là, được Nhà nước quan tâm, cán bộ hướng dẫn tổ chức cuộc sống tận tình, gia đình sẽ có cuộc sống ổn định và tốt hơn nơi ở cũ”, anh Phiên phấn khởi cho biết.
Theo ông Phạm Văn Nam, Bí thư Huyện ủy huyện An Lão, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và các hội, đoàn thể ở huyện An Lão đã có nhiều nỗ lực thực hiện, hoàn thành phần lớn các công việc đền bù giải phòng mặt bằng, di dời, chăm lo tốt hơn cho người dân vùng TĐC do ảnh hưởng bởi Dự án Hồ thủy lợi Đồng Mít. Các hộ dân di dời đến khu TĐC đã được huyện cấp cho mỗi hộ 400m2 đất ở. Huyện cũng đã thực hiện kiểm tra, rà soát xác định nguồn gốc đất, thống nhất quy hoạch 636ha đất lâm nghiệp đủ điều kiện thu hồi tại xã An Hưng, lập phương án giao đất sản xuất cho các hộ dân xã An Dũng khi di dời đến nơi ở mới.
Hướng đến một khu tái định cư kiểu mẫu
Hồ thủy lợi Ðồng Mít có dung tích 90 triệu m3, với tổng mức đầu tư 2.142 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định, với mục đích góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội 4 huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ.
Khi thực hiện Dự án này, có 890 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 478 hộ gia đình ở xã An Dũng phải di dời đến nơi ở mới; tổng hợp phần Nhà nước phải bồi thường, hỗ trợ và TĐC hơn 733,5 tỷ đồng. Từ khi Dự án được triển khai đến nay, người dân đã nhận được hơn 249,5 tỷ đồng tiền đền bù.
Theo ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch xã An Dũng, thực tế trong quá trình triển khai cũng có nhiều ý kiến qua lại, nhiều người đắn đo, lo lắng về tương lai khi chuyển đến nơi ở mới. Nhưng nhờ cách làm công khai, minh bạch, bà con đã chấp nhận di dời đến nơi ở mới và xây dựng nhà cửa khang trang.
Cùng với việc chăm lo nơi ở cho người dân xã An Dũng, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền huyện An Lão còn đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch đất sản xuất, đất lâm nghiệp để cấp cho người dân đầu tư phát triển kinh tế. Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Nam chia sẻ: Đối với đồng bào DTTS, vấn đề định canh là rất quan trọng và đã sản xuất thì phải sản xuất lúa nước mới ổn định, lâu dài, chứ để bà con làm rẫy sẽ dễ xảy ra tình trạng du canh du cư. Đặc biệt, đối với đất ruộng, chúng tôi sẽ vận chuyển lớp đất mặt ở làng cũ về làng mới. Việc này vừa bảo đảm độ phì nhiêu cho đất ruộng mới, vừa giúp bà con đỡ nhớ nơi ở cũ, dù sao cũng còn đất của cha ông. Vậy nên, đồng bào đồng lòng và ưng bụng lắm.
“Phải di chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho Dự án Hồ thủy lợi Đồng Mít là một sự hy sinh rất lớn của người dân An Dũng. Để bù đắp lại, lãnh đạo tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa, vận dụng tất cả chính sách để bà con đến nơi ở mới tốt hơn, cuộc sống tốt hơn, điều kiện canh tác tốt hơn và trong tương lai không xa, đây sẽ là một khu dân cư vùng DTTS kiểu mẫu của tỉnh Bình Định”, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết.
Hồ thủy lợi Ðồng Mít được xây dựng, với mục đích điều tiết nguồn nước để cung cấp lượng nước tưới cho 6.742ha đất canh tác, 147ha nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người; cải thiện môi trường sinh thái, chống xâm nhập mặn và cắt giảm lũ cho hạ du.