Đồng bào BaNa trong làng quý trọng không chỉ ông là đảng viên cao tuổi, mà còn là một già làng tiên phong trong việc vận động đồng bào BaNa thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo làm ăn, vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống.
Hiện nay làng Thạnh Quang có 56 hộ với 229 nhân khẩu, trong đó có 97% là người dân tộc BaNa. Với đặc thù là làng tái định cư của nhân dân vùng lòng hồ Định Bình, đời sống của người dân Thạnh Quang còn nhiều khó khăn. Già làng Đinh Grêch đã cùng cấp ủy, ban thôn kiên trì vận động đồng bào trong làng đẩy mạnh sản xuất để từng bước ổn định đời sống.
Theo già Đinh Grêch, cái gì không biết thì phải hỏi, phải học, như cách chăm sóc gia súc, gia cầm, cách làm lúa nước... Bà con cũng phải bỏ các hủ tục, chăm lo làm ăn thì mới nhanh giàu.
Già Grêch tâm sự: “Mình là già làng nên phải đi đầu trong mọi việc làm để bà con noi gương. Hộ gia đình nào, con người nào có việc gì xảy ra là mình phải trực tiếp đến, tìm hiểu và nắm tình hình cụ thể để giáo dục, thuyết phục con cháu. Mình làm gương trước thì con cháu sẽ học tập theo. Nói bà con không nghe, vận động bà con không được hoặc nếu có việc gì không hay xảy ra thì không chỉ mất uy tín với làng mà còn phụ lòng tin của chính quyền. Chính vì thế, mình phải cố gắng thôi”.
Với suy nghĩ ấy, ngày ngày, ông đến từng gia đình vận động bà con chăm lo lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục. Ông luôn cho rằng, muốn giàu phải học hỏi kinh nghiệm của người khác. Chính vì thế, ông đã lên xã, lên huyện đề nghị cán bộ về chỉ cho dân cách trồng, chăm sóc cây hoa màu, chăm sóc lúa nước... Nhờ đó, đồng bào làng Thạnh Quang đã bỏ đốt nương làm rẫy, chuyển sang trồng lúa nước trên diện tích 13ha với 2 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha. Ngoài ra, người dân còn trồng các loại cây trồng cạn cho năng suất cao như: ớt, dưa hấu, bắp, đậu đỗ các loại… Chăn nuôi ở làng cũng phát triển, cả làng có trên 1.500 gia súc, 1.600 con gia cầm. Trong làng không có nạn trộm cắp, không có trẻ em bỏ học, không có người sinh con thứ ba.
Bí thư Chi bộ Thạnh Quang ông Đinh Với, cho biết: Những việc gì khó, già Đinh Grêch đều đứng ra làm và vận động người nhà làm trước, khi thấy việc làm có hiệu quả bà con học tập làm theo. Mọi chuyện xảy ra trong làng, Già dùng uy tín, kinh nghiệm, tình cảm để thuyết phục, phân tích phải trái, đúng sai. Vì thế, nhiều vụ việc được hòa giải một cách êm thấm...
Tại các buổi họp dân, già Đinh Grêch thường đưa những vấn đề về xây dựng đời sống văn hóa mới ra bàn bạc. Khi làm công tác tuyên truyền, vận động, ông luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Cái tình, cái lý rành mạch được già làng đưa ra nên cái bụng ai cũng sáng, cái đầu ai cũng hiểu và quyết tâm thực hiện. Từ chỗ tháo gỡ những bức xúc trong dân, tiếng nói của ông luôn được người dân lắng nghe và làm theo...
Mặc dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày, già Grêch vẫn chăm lo sản xuất cùng gia đình với suy nghĩ “mình làm được thì nói bà con mới nghe”. Ông thực sự là “cây đại thụ” của buôn làng.
THÀNH NHÂN