Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc huyện tổ chức giải tỏa đối với diện tích cà phê trồng dưới tán rừng để khôi phục rừng, sử dụng đất đúng mục đích, không để tiền lệ kéo dài, diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu UBND huyện Bảo Lâm tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan để xử lý trách nhiệm, hoàn thành trước ngày 15/4/2022.
Liên quan đến vụ phá rừng, ngày 28/3, ông Nguyễn Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 28/3/2022) đối với ông Nguyễn Đình Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm để làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của người đứng đầu chính quyền địa phương nơi để xảy ra vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, ngày 17/3, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Bảo Lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 bắt quả tang 2 đối tượng là: Nguyễn Doãn Trung (quê Nghệ An) và Phan Văn Thanh (trú xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đang điều khiển 1 máy múc thực hiện hành vi đào bới, san gạt trái phép đất lâm nghiệp trên diện tích rừng đã bị cưa hạ trước đó.
Qua kiểm tra, lực lượng chức ghi nhận, vị trí khu vực bị đào bới, san gạt và cưa hạ cây rừng tại một phần lô K và M, khoảnh 4, Tiểu khu 613, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, thuộc lâm phần do Doanh nghiệp tư nhân Anh Hải quản lý. Tổng diện tích rừng bị phá hơn 1,9 ha.
Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định, có 75 m3 gỗ thông 3 lá và gỗ tạp đã bị các đối tượng phá rừng bỏ lại hiện trường. Ngoài ra, cơ quan chức năng đang tiến hành thẩm định những cây gỗ thông bị đốn hạ chỉ còn gốc để tính khối lượng lâm sản bị thiệt hại.