Nhiều hệ lụy...
Lâm Đồng là tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 25% dân số toàn tỉnh. Trong đó một số DTTS có tỷ lệ cao như: Cơ ho, Mạ, Chu ru, Nùng, Tày, Hoa, M’nông, phần lớn các dân tộc sống đan xen với nhau. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các buôn làng, khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn. Trẻ em sinh ra bị các chứng bệnh suy dinh dưỡng, thấp còi, dị tật bẩm sinh... ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, cản trở sự phát bền vững của DTTS.
Đặc biệt, nhiều trẻ trong độ tuổi đến trường phải nghỉ học, để làm những ông bố bà mẹ bất đắc dĩ, ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý và sự phát triển thể chất của trẻ em. Đồng thời, cũng làm tăng tỉ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản, gây nhiều khó khăn cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Bế trên tay đứa con nhỏ, chị K’Thắm, trú tại thôn 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm chia sẻ, chị lấy chồng từ năm 2017, khi đó 15 tuổi, đang còn học lớp 9. Tuy nhiên, đến năm 2019, chị và chồng mới đủ tuổi để đăng kí kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình.
Sau khi kết hôn, cặp vợ chồng trẻ này được cha mẹ chia cho là 5 sào cà phê. Tiền bán cà phê, thường không đủ trả nợ cho các đại lý đã ứng mua phân bón và các loại thực phẩm trước đó. Chồng K’Thắm quanh năm phải đi làm thuê, công việc không ổn định nên gia đình lúc nào cũng lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau.
Bà K’ Dĩnh, ngụ tại buôn Hàng Piơr, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh buồn bã nói: "Ở vùng này, nhiều trường hợp con cô, con cậu lấy nhau, nên sinh ra con trẻ bị đau ốm thường xuyên, nuôi mãi không lớn được, có đứa còn bị dị tật bẩm sinh. Cũng vì chúng tôi cũng thiếu hiểu biết nên mới hậu quả thế này”.
Theo ông DơWoang Ya Gương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn còn diễn ra ở nhiều địa bàn vùng DTTS là do trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền ở cơ sở hiệu quả chưa cao, chưa xem việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn là nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng. Bản thân người vi phạm thường ở độ tuổi đang đi học, do học lực yếu và bỏ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng sớm hơn tuổi quy định.
“Nguyên nhân sâu xa nữa là, do phong tục, tập quán của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, vẫn còn duy trì chế độ hôn nhân mẫu hệ, và không muốn người của dòng họ khác sử dụng gia tài của mình có được, nên mới có chuyện “con bà cô lấy con ông cậu”, ông Ya Gương nói.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân, thiếu biện pháp quản lý, giáo dục phòng ngừa đối tượng vị thành niên, chưa kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2015 - 2020, qua điều tra, khảo sát chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 1.064 trường hợp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 3,68% so với tổng số kết hôn và 30 cặp hôn nhân cận huyết thống, chiếm tỉ lệ 0,1% so với tổng số kết hôn, con số thực tế về tình trạng trên còn cao hơn rất nhiều.
Để ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2020”. Một số đơn vị, địa phương đã triển khai tốt các nội dung của Đề án như xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên), Trường phổ thông dân tộc nội trú liên huyện phía Nam, Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Di Linh, xã Đạ Quyn (huyện Đức Trọng). Đây là những đơn vị, địa phương có tỉ lệ người đồng bào DTTS chiếm tới 96%.
Cũng trong giai đoạn này, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể; hoạt động truyền thông là 1.960 cuộc, với 66.164 lượt cán bộ, Nhân dân tham dự; toàn tỉnh đã cấp 167.617 tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích cho tổ chức, cá nhân; cấp 1.088 đĩa DVD tuyên truyền cho 479 thôn có đồng bào DTTS sinh sống, 53 xã và 12 phòng Dân tộc các huyện; Thực hiện 1.645 cuộc, với 17.152 người dân được tư vấn...
Theo ông Dơ Woang Ya Gương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, qua thời gian triển khai Đề án, cơ bản người dân đã nâng cao được nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình; đồng thuận ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Hiện nay, Lâm Đồng đang triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2, từ 2021 - 2025”. Trong giai đoạn này, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh, triển khai các mô hình điểm để tuyên truyền thường xuyên; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
Đồng thời, hàng năm, tổ chức các hội nghị, tọa đàm, giao lưu, bồi dưỡng tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ cơ sở tham gia thực hiện Đề án, cung cấp các tài liệu truyền thông, pháp luật liên quan cho cán bộ xã, các hội đoàn thể, trưởng thôn, Người có uy tín, các vị chức sắc tôn giáo vùng đồng bào. Qua đó dần thay đổi hành vi của người dân vùng DTTS, sớm đẩy lùi và chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.