Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Lai Châu, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 đợt mưa lớn, mưa đá, gió lốc, 01 trận động đất làm 5 người chết và 18 người bị thương; 8.521 ngôi nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 3.568 ha cây trồng các loại bị gãy, dập, ảnh hưởng; hơn 2.700 con gia súc, gia cầm bị chết, 8 lồng cá bị thiệt hại.
Thiệt hại về cơ sở hạ tầng gồm: một cầu treo bị sập; 65 công trình thủy lợi, 5 trụ sở cơ quan, 19 điểm trường, 4 công trình văn hóa, một Đồn Biên phòng bị thiệt hại, ảnh hưởng. Một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã, liên bản bị sạt lở gây tắc nghẽn giao thông, khối lượng sạt lở trên 900.000 m3 đất, đá. Ước tổng thiệt hại trên 255 tỷ đồng.
Trong đó, Phong Thổ là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Năm 2020, trên địa bàn huyện xảy ra trên 8 đợt thiên tai, gây thiệt hại tổn thất lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng nhà cửa, hoa màu, nông nghiêp, vật nuôi của Nhân dân trên địa bàn huyện. Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 129 tỷ đồng; thiên tai đã làm chết 4 người và khiến 15 người bị thương.
Ngay từ đầu năm 2021, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường. Đợt rét đậm rét hại từ ngày 11/1 - 14/1 và ngày 9/2 do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh trên địa bàn huyện Phong Thổ đã làm chết rét 23 con trâu, nghé của 20 hộ gia đình; khoảng 154,7ha cây thảo quả bị thiệt hai; tổng giá trị thiệt hại ước gần 1,9 tỷ đồng.
Gần đây nhất, tối 25/4, tại TP.ố Lai Châu và các xã lân cận thuộc 2 huyện Tam Đường, Phong Thổ, xuất huyện mưa đá diện rộng. Mưa đá kéo dài khoảng 20 phút, đường kính hạt đá trung bình từ 1 - 3 cm, tần suất rơi khá dày gây thiệt hại về cây cối và hoa màu của người dân; làm vỡ ngói và hư hỏng nhiều phương tiện, thiết bị, đồ dùng để ngoài trời.
Để chủ động phòng chống thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung tăng cường các giải pháp theo phương án ứng phó với rủi ro thiên tai với phương châm: Phòng tránh là chính - cứu nạn khẩn trương - khắc phục kịp thời, hiệu quả với phương châm 4 tại chỗ.
UBND tỉnh đã giao thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với các sở ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch bổ sung nhằm đảm bảo đủ trang bị, phương tiện thiết yếu phục vụ cần thiết để có thể huy động kịp thời khi có rủi ro thiên tai xảy ra; xây dựng phương án cụ thể trong việc tổ chức di dời, bảo vệ dân ở vùng chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; chủ động ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định để khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân, nhất là đối với các gia đình đang sinh sống tại các sườn núi, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét cao. Các địa phương triển khai tổ chức tập huấn, thực hành diễn tập về các tình huống thiên tai giả định, phương án xử lý, tránh tình trạng bị động, hoảng loạn khi có thiên tai xảy ra.