Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, mục đích chính của phiên chất vấn là đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề ra các yêu cầu, giải pháp cần tiếp tục thực hiện để xây dựng nghị quyết chuyển giao cho Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát, theo dõi.
Quốc hội đã nghe các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Tại phiên họp, nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH), những vấn đề nổi cộm đã được ĐBQH quan tâm chất vấn, như: Về giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu Vacxin phòng Covid-19 tại Việt Nam; thực chất nguyên nhân gây ra đợt lũ lụt lịch sử tại miền Trung, giải pháp nào để bảo đảm an toàn cho người dân; giải pháp khắc phục khó khăn, nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông; về việc sắp xếp hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thú y hiện còn chưa thống nhất ở các địa phương, không theo quy định của Luật Thú y, đâu là giải pháp điều chỉnh; giải pháp trước thực trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong một bộ phận xã hội; giải pháp về tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình đất nước; biện pháp khắc phục hậu quả sạt lở bờ biển và xây dựng các công trình thủy lợi tại địa phương; quy định mô hình khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, hiện vẫn chưa thống nhất, đâu là giải pháp; quy hoạch phát triển quản lý báo chí đến năm 2025; công tác sắp xếp đơn vị hành chính ở cơ sở…
Trả lời chất vấn các ĐBQH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ, Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng… đã làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm.
Về giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu Vacxin phòng Covid-19 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Việt Nam đang làm việc với tất cả các đối tác, nhưng việc mua Vacxin sớm không hề dễ, khi nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các ĐBQH không thể chủ quan, phải sống an toàn với dịch bệnh, đầu tiên là bệnh viện, trường học rồi đến tất cả các cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, siêu thị, chợ, nhà máy, công sở… “Tới đây, tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, đến tận từng người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.