Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng DiênTại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra; phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế; đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Dự án Luật được bám sát theo 4 chính sách đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và không bổ sung, thay đổi các chính sách mới. Dự án sửa đổi, bổ sung 21 khoản thuộc 19 Điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang HuyThống nhất quan điểm, mục tiêu, phạm vi sửa đổi dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội.
Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật rà soát dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật để bảo đảm thống nhất chính sách; tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh; kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các Luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; rà soát các quy định về đối tượng dán nhãn năng lượng, kế hoạch kiểm tra việc tuân thủ quy định quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, cơ chế tài chính thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để bảo đảm tính khả thi; đánh giá, rà soát toàn diện các quy định, hướng dẫn, khuyến nghị trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đặc biệt là các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) để bảo đảm tính tương thích.
Về quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng (khoản 16 Điều 1), Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận thấy, vật liệu xây dựng có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình; nhiều quốc gia đã có chính sách khuyến khích việc sử dụng vật liệu có hiệu suất năng lượng cao.
Để thực hiện chính sách này cần có đủ hệ thống quy chuẩn, có hạ tầng kiểm định và chính sách truyền thông, ưu đãi phù hợp. Do đó, Ủy ban đề nghị xem xét, nghiên cứu làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn; rà soát các điều, khoản để chỉnh lý phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện cho việc hợp nhất văn bản.
Về quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng; nghiên cứu sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Luật Ngân sách nhà nước, Bộ luật Dân sự đã có quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội; không nên quy định về Quỹ này trong dự thảo Luật…