Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họpTham dự Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV có: Tổng Bí thư Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về phía Quốc hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh, Vũ Hồng Thanh, Lê Minh Hoan; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn và các vị Đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt, để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các Kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập hiến, lập pháp, Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, thuộc các lĩnh vực then chốt như: Tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, tài chính - ngân sách, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Quang cảnh phiên họpVề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031…
Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân và công tác quản lý nhà nước...
Với những nội dung nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục nghe Báo cáo đánh giá và thẩm tra bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Báo cáo và thẩm tra tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.