Du lịch cũng được hưởng lợi
Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút hàng triệu du khách tới tham quan, nghiên cứu. Hay Quần thể danh thắng Tràng An, vào năm 2012-khi mới lập hồ sơ đề cử di sản mới có trên 1 triệu lượt khách tới tham quan thì sau 3 năm được UNESCO ghi danh đã đón 6,1 triệu lượt khách.
Tại Hội thảo Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản Văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững (ngày 27/7) tại Hà Nội, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu đã dẫn chứng, chỉ riêng 8 Di sản Thế giới, năm 2017 đã thu hút gần 16 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Đại đa số các khu di sản này đều tăng khoảng 13%-22% số lượt khách so với năm 2016), nguồn thu từ phí tham quan được hơn 2.500 tỷ đồng (tăng khoảng 14%-27%, trong đó có 2 di sản tăng 53%-61% so với năm 2016 như Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long).
Ngay tại TP. Hà Nội, nhiều di tích tuy quy mô không lớn như Văn Miếu Quốc Tử Giám, năm 2017 thu từ phí tham quan cũng đạt 46 tỷ đồng, di tích Đền Ngọc Sơn thu hơn 27 tỷ đồng, di tích Nhà tù Hỏa Lò 9,8 tỷ đồng. Nếu tính cả nguồn thu từ vé tham quan của hơn 13.500 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, cùng với hơn 160 bảo tàng công lập và ngoài công lập trong cả nước là một con số không hề nhỏ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu/dấu ấn riêng của địa phương có di sản như Lễ hội đền Sóc, chùa Hương, Lễ hội Bà Chúa Xứ An Giang, Lễ hội Ook om booc Trà Vinh, Lễ hội Katê hay gốm Chăm ở Bàu Trúc Ninh Thuận..., góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch cũng giúp giải quyết công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản.
Tránh tận thu từ di sản
Trong vài năm trở lại đây, ngành Du lịch có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng khách quốc tế cũng như trong nước. Yêu cầu nâng cao chất lượng cũng đồng thời đi kèm với việc tạo ra sản phẩm mới lạ, độc đáo, thu hút khách du lịch. Những di sản độc đáo của thiên nhiên và văn hóa chắc chắn không thể nằm ngoài guồng phát triển chung đó.
Quyết định 41COM7B.33 gần đây nhất của tổ chức UNESCO, nêu lên mối lo ngại về các vấn đề khai thác trái phép, săn trộm, các loài xâm lấn và đề xuất về dự án cáp treo đến hang Sơn Đoòng. Trong khi đó, UNESCO cũng đưa ra khuyến nghị, Phong Nha Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên tự nhiên đặc thù với các DTTS đã sống qua nhiều thế hệ trong khu vực rừng với nhiều hoạt động sinh hoạt truyền thống. Tuy nhiên, do các quy định bảo vệ nghiêm ngặt di sản nên những nhóm cộng đồng sinh sống trong khu vực, trong đó có cả người Rục có nguy cơ bị tách biệt khỏi nhịp phát triển xã hội, trong khi họ đang khó tìm được chỗ đứng trong chuỗi giá trị du lịch.
Điều này dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng ngay trong vùng lõi của di sản, như việc ô nhiễm nguồn nước do xả thải từ sản xuất, dân sinh và tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ (trong khu di sản danh thắng Tràng An)… Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng xâm hại di sản phục vụ các mục đích kinh tế của con người có thể tác động trở lại, làm biến đổi hiện trạng di sản hoặc mất đi thương hiệu độc nhất vô nhị được thế giới công nhận. Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội cho rằng: “Vấn đề sẽ ngày càng trở nên cấp thiết bởi sức hút và động lực của di sản đối với ngành Du lịch ngày một gia tăng. Một điều dễ nhận thấy là các đầu tư ngắn hạn thường tạo ra nhiều vấn đề, không chỉ là vấn đề về rủi ro trong công tác bảo tồn mà còn là sự mai một của truyền thống văn hóa địa phương, nhưng ngược lại, một dự án với tính bền vững lâu dài xét về góc độ kinh tế thì thường bị đặt nhiều dấu hỏi”.
Điều này khiến việc khai thác du lịch một cách mạnh mẽ trong khi chưa có đủ cơ sở hạ tầng, chưa có những công cụ pháp lý hữu hiệu để điều chỉnh các hành vi liên quan đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội. Tuy nhiên, ngay từ chính sách đến thực thi giữa các cấp ở nước ta vẫn cho thấy sự lúng túng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, chưa có nhiều sáng kiến bảo tồn chất lượng mà ít gây tác động tiêu cực vào di sản, điều này khiến cho di sản thế giới dù đã có hàng rào bảo vệ theo các công ước quốc tế nhưng lúc nào cũng có thể bị tổn thương.
THẢO NGUYÊN