Chiều 13/5, tại Hải Phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu - một trong những dự án trọng điểm của Hải Phòng.
Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023), lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2023.
Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đại sứ một số nước tại Việt Nam.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 1/4/2021.
Với quy mô 752 ha, khi hoàn thành, đây sẽ là khu phi thuế quan cảng biển lớn nhất Việt Nam với 369 ha khu sản xuất công nghiệp và 173 ha khu dịch vụ kho bãi - logistics. Dự án có tổng mức đầu tư 11.100 tỷ đồng, thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án từ năm 2022-2033.
Vị trí dự án nằm ngay sau và tiếp giáp 6 km chiều dài với cảng nước sâu Lạch Huyện, là cơ sở hình thành một khu công nghiệp gắn liền cảng biển hiện đại trong nước và khu vực. Đồng thời, dự án sẽ đóng vai trò là khu hậu cần cho cảng Lạch Huyện, nơi có khả năng tiếp nhận các tàu container tải trọng đến 150.000 DWT đi các tuyến biển xa trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ.
Việc hình thành khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu cùng hệ thống các cầu cảng nước sâu của cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ góp phần tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng quốc tế Lạch Huyện cũng như khu phi thuế quan-logistics và công nghiệp ở khu vực này.
Dự án hứa hẹn thu hút những đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải biển-logistics, thiết lập nên một trung tâm trung chuyển hàng hóa mới, có tác động làm dịch chuyển luồng giao thương vốn có của thế giới; là cơ sở để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và cả nước.
Dự án được triển khai nhằm hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là lần thứ 3 ông xuống làm việc tại Hải Phòng trong hơn 1 năm qua.
Vào tháng 12/2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ông đã làm việc với địa phương, trong đó có chương trình kiểm tra, đôn đốc các dự án tại cảng Lạch Huyện. Đến nay, các cơ quan, đơn vị có nhiều nỗ lực để triển khai các dự án, đạt nhiều tiến bộ, cơ bản suôn sẻ, nhiều khó khăn, vướng mắc được giải quyết trong hơn 1 năm qua.
Lần thứ hai, vào tháng 11/2022, Thủ tướng về Hải Phòng dự lễ xuất khẩu lô xe điện VF 8 sang Mỹ, đây là sự kiện có nhiều ý nghĩa, đóng góp vào xu thế lớn phát triển xanh, giảm phát thải.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần mỗi chuyến đi phải giải quyết được công việc cho địa phương, quan điểm làm việc Chính phủ là "đã đi phải đến, đã làm phải xong, đã giải quyết phải được việc, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được".
Hiện các thành viên Chính phủ đang đi khắp cả nước để làm việc với các địa phương, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Theo Thủ tướng, qua thực tiễn, đang nổi lên một số nhóm khó khăn, vướng mắc liên quan tới đất đai, thủ tục đầu tư, chuyển đổi đất rừng, đất lúa...; Hải Phòng cần tích cực tham gia xử lý các khó khăn, vướng mắc này.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là 1 trong 3 đột phá chiến lược, nhất là phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, khu công nghiệp, khu phi thuế quan. Phát triển hạ tầng công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Hải Phòng.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam có nhiều tiềm năng và cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng các khu phi thuế quan hiện đại, thông minh, phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp.
Mặt khác, Thủ tướng nêu rõ, phải triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thúc đẩy mạnh mẽ khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực, quyết liệt triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Việc phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược trong khu vực (đường bộ cao tốc, cảng biển, hàng không…) không chỉ tạo động lực, không gian phát triển mới cho các địa phương và khu vực, mà còn giúp kết nối với thị trường quốc tế, trong đó có thị trường Trung Quốc, nhất là tỉnh Quảng Đông.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, Hải Phòng đã luôn sáng tạo, đổi mới, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
"Hải Phòng đã phát triển rồi nhưng dứt khoát phải bứt phá hơn sau khi có Nghị quyết 45-NQ/TW, bởi vì Hải Phòng có điều kiện để bứt phá. Hải Phòng là nơi được đầu tư cao nhất trong số các tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Hồng. Và tôi tin chắc chắn là Hải Phòng sẽ làm được", Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh.
Thủ tướng đánh giá cao Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu được xây dựng theo mô hình lãnh đạo công và quản trị tư. Theo đó, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng tới ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu phi thuế quan, còn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bên trong khu công nghiệp, khu phi thuế quan và kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp khác.
Các ban, bộ, ngành Trung ương và UBND TP. Hải Phòng cần hỗ trợ, tạo điều kiện tốt đa cho dự án triển khai hiệu quả, tiếp tục phát huy tinh thần cải cách, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dự án triển khai đúng tiến độ và hiệu quả nhằm xây dựng một khu công nghiệp kiểu mẫu; khu phi thuế quan đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại.
Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, áp dụng quản trị thông minh, tiên tiến, hoạt động đúng pháp luật, ngày càng phát triển ổn định, lành mạnh.
Thủ tướng cho biết trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông đã cùng thỏa thuận việc thúc đẩy các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại nhiều địa phương của Việt Nam. Ông mong muốn Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu và các khu công nghiệp khác có thể cạnh tranh lành mạnh, công bằng các khu VSIP, các khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài đầu tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng lưu ý địa phương và doanh nghiệp tập trung phát triển nhà ở cho công nhân, đi đầu, góp phần thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tới năm 2030.
Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các ngân hàng nghiên cứu giảm lãi suất, tạo điều kiện giảm chi phí cho các doanh nghiệp nói chung, cho các công trình này nói riêng trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát. Thủ tướng kêu gọi tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn, phát triển; doanh nghiệp có phát triển thì ngân hàng mới phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu không hình sự hoá các quan hệ kinh tế; ai vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng, gây thiệt hại cho nền kinh tế thì phải xử lý; đồng thời khuyến khích và bảo vệ những người làm đúng; lấy phòng ngừa là cơ bản, quy định, chiến lược, lâu dài, chống là thường xuyên, đột phá, có trọng tâm, trọng điểm.
"Tinh thần là ủng hộ đổi mới sáng tạo của tất cả các chủ thể với mong muốn Hải Phòng phát triển đột phá, các bộ, ngành ủng hộ và đến lượt mình, Hải Phòng chia sẻ với cả nước; các doanh nghiệp phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật, đi đúng hướng vào phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn", Thủ tướng nhấn mạnh.