Anh Lê Sỹ Định ở xóm Sơn Hạ, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn, Nghệ An) một trong những người đi đầu thực hiện mô hình trồng bơ trái vụ. Anh Định cho biết, trước đây gia đình anh có 5 sào đất vườn tạp, không đem lại hiệu quả kinh tế. Mãi đến năm 2011, khi nghe đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thuyết trình về giá trị dinh dưỡng và công dụng của quả bơ, anh quyết định chuyển đổi diện tích vườn tạp của mình sang trồng bơ.
Khi quyết định trồng bơ, anh Định đã được Hội Nông dân xã gợi ý trồng giống bơ booth trái vụ (xuất xứ từ Trung Mỹ và Mexico) có năng suất cao, đã được các nhà khoa học nghiên cứu là phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Hiện nay, trên diện tích 5 sào đất, anh Định trồng 150 gốc bơ booth, mỗi mùa cũng thu về khoảng 200 triệu đồng.
Anh Định chia sẻ: “không chỉ giới thiệu giống mới, tôi còn được cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch bơ. Như đất trồng bơ phải là vùng đất đỏ, có thể thoát nước; Trồng cây cấy ghép sẽ sinh trưởng tốt, chống chịu được sâu bệnh và mang lại năng suất cao…”.
Hiện nay, Nghệ An hiện có 44,5ha bơ, trong đó chủ yếu là Nghĩa Đàn 35ha, TX.Thái Hòa 5ha, Quế Phong 2ha và Anh Sơn 2ha. Với năng suất bình quân 85,36 tạ/ha, sản lượng mỗi năm hiện đạt trên 250 tấn, giá trị sản xuất của cây bơ đạt từ 150-200 triệu đồng/ha. Được biết, để đảm bảo tiêu thụ ổn định, tỉnh Nghệ An đang có chủ trương thu hút đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến và bảo quản hoa quả (trong đó có sản phẩm quả bơ) tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng hướng tới xuất khẩu.
Sau khi đã có vùng nguyên liệu ổn định, Nghệ An sẽ đẩy mạnh thu hút, liên kết với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm từ quả bơ. Bên cạnh đó, sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất bơ; đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng theo chuỗi giá trị.
Không chỉ ở Nghệ An, một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã nhận thấy được lợi ích từ việc trồng bơ. Như ở Bắc Giang mới đây đã thực hiện Đề tài “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số dòng, giống bơ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Mục tiêu của Đề tài là xây dựng thành công mô hình trồng thử nghiệm hai giống bơ (MC17, Choquete) quy mô 7ha, trong đó 3ha trồng thuần và 4ha trồng xen canh tại 3 huyện Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động.
Xác định tiềm năng thị trường còn rất lớn, nên Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đẩy mạnh nghiên cứu, hỗ trợ các vùng sản xuất bơ.
Theo ông Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cho biết: Thời gian qua Viện đã tuyển chọn được 16 giống bơ đầu dòng tại Nghệ An và Sơn La, đồng thời tiếp nhận 4 giống bơ chất lượng cao từ Cuba. Xây dựng được 4 mô hình: Mô hình nhân giống bơ, mô hình thâm canh, mô hình cải tạo vườn tạp và mô hình trồng xen bơ trên nương cà phê. Bên cạnh việc xây dựng các mô hình, cán bộ kỹ thuật của Viện thường xuyên xuống kiểm tra, hỗ trợ người dân các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bơ.
“Những cây bơ có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt sẽ trở thành cây đầu dòng phục vụ cho công tác nhân giống của các vùng trồng bơ. Từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”, ông Khương cho biết thêm.
HOÀNG QUÝ