Vay tiền xây nhà máy
Cách đây 8 năm, rác thải là vấn đề đau đầu của chính quyền xã, người dân ở xã Đức Phong (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Hằng ngày, hàng ngàn hộ dân ở vùng ven biển đều mang rác từ nhà đổ ra đường, bờ bụi, đi đâu cũng gặp rác, học sinh muốn đến trường cũng phải đi qua bãi rác. Với mong muốn “làm sạch” quê hương, ông Trương Minh nghĩ cách đầu tư làm lò đốt rác. Trong suy nghĩ của ông thì mô hình này chỉ đơn giản là phân loại và đốt rác.
Ông Minh đã quyết định dùng số tiền tiết kiệm hơn 100 triệu đồng để xây dựng lò đốt rác. “Số tiền đó, gia đình tôi định sửa sang lại căn nhà, nuôi con học đại học, thế nhưng khi quyết định xây dựng công trình này, tôi đã đổ hết vào đây. Nhưng rồi 100 triệu đồng cũng không đủ, tôi phải vay mượn khắp nơi. Khi Nhà máy rác hoàn thiện, tổng vốn đã lên tới hơn 500 triệu đồng”, ông Minh kể lại.
Gọi là Nhà máy xử lý rác nhưng thật ra chỉ là khu phân loại rác, lò đốt rác. Ông Minh thu gom rác từ các nơi trong xã rồi đem phân loại, những loại có thể tái chế thì đem bán lấy tiền, còn lại thì sẽ đốt. Đến nay, trung bình mỗi ngày, Nhà máy của ông Minh xử lý 3-5 tấn rác/ngày, có 7 lao động với mức lương 3-5 triệu đồng và 1 lái xe.
Ông Minh cho biết: “Địa hình của xã Đức Phong rộng lớn, nên di chuyển rất tốn thời gian và vất vả. Chỉ cần chưa kịp đi thu gom là điện thoại của tôi lại réo lên, bà con hỏi sao xe chưa đến vận chuyển”. Những ngày nắng, rác thải được chia ra đốt cho hết trong ngày, nhưng những ngày mưa thì rác bị ứ lại trong nhà máy chưa đốt được, còn rác trong dân thì nhiều mà xe không gom hết.
Làm cho quê hương sạch đẹp
Gần 8 năm đi vào hoạt động là ngần ấy năm, ông Minh “vác của nhà đi thổi tù và hàng tổng”. Để theo đuổi nghiệp đốt rác, làm sạch cho quê hương, bản thân ông Minh phải xoay lưng ra làm đủ mọi việc: từ chở rác, phân loại đến đốt rác. Ông Minh chia sẻ, cả mấy năm nay chỉ có 1 chiếc xe tải chở rác, nhưng rồi nó cũng “già cỗi”, hư hỏng giữa đường nhiều lần, dẫn đến không thu gom rác kịp. Ông Minh phải đi thuê xe chở rác, ông bảo: “Làm gì có tiền mà mua, đi thuê còn khó, xe các đơn vị không dùng đến nhưng xin thì không cho, mượn cũng không được, thuê đắt”.
Trong khi đó, công trình nhà máy của ông xây dựng khá lâu, nay đã xuống cấp, ống khói không đủ tiêu chuẩn cho phép. Ông Minh muốn thay mới, nâng cấp cũng không có khả năng để làm. Hiện tại, nguồn thu từ tiền thu phí rác chỉ 13.000 đồng/hộ/tháng, nhưng chỉ có 60% số người dân trong xã đóng phí rác.
Mỗi tháng, nguồn thu phí môi trường hợp đồng với xã là 33 triệu đồng, trong đó phải xoay sở trả công lao động cho 7 nhân công, lái xe. 2 năm đầu tiên, ông Minh phải bù lỗ vốn. Những năm gần đây, nhờ việc phân loại rác, tận dụng bán lại cho các công ty chế biến hạt nhựa nên cũng đỡ vất vả phần nào.
Ông Minh chia sẻ: "Nhà máy xử lý rác của tôi tuy còn thô sơ nhưng không đốt bao nilông, toàn bộ số bao nilông thu gom được rửa sạch để bán cho các cơ sở tái chế. Sau khi phân loại, chất thải hữu cơ được đưa vào hầm ủ kỹ đến khi phân hủy hoàn toàn. Trước khi sử dụng, thì trộn với tro được lấy từ lò đốt để bón cho mía hay các loại cây hoa màu, đỡ tốn chi phí. Đối với nước thải, cho dẫn vào hầm chứa để phục vụ việc sản xuất phân".
Khi được hỏi động lực nào khiến ông dám bỏ một số vốn lớn như thế để xây dựng khu xử lý rác, ông Trương Minh cười hiền, nói: "Từ đầu làng đến cuối xóm sạch bóng rác, bà con vui là tôi vui rồi". Đến nay, nhà máy của ông Minh "gàn" đã được trao mấy chục bằng khen, giấy khen, thư khen ngợi của Bộ Tài nguyên - Môi trường, của tỉnh, huyện, xã..., vì đã có đóng góp làm môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Bản thân ông Trương Minh được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018 do Trung ương Hội Nông dân trao tặng.
NGUYỄN TRANG