Có thể nói đây là phong trào hay cần tiếp tục nhân rộng không chỉ ở siêu thị mà cần phát huy đến từng khu chợ, đến từng nhà. Phong trào này cũng cần được nhân rộng từ thành thị về đến nông thôn miền núi.
Xin được nhấn mạnh rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay đã trở thành vấn nạn không của riêng ai. Cùng với sự phát triển kinh tế, kèm theo đó là cuộc xâm lấn của đồ nhựa, trong đó có một phần lớn là đồ nhựa dùng một lần. Ống hút, cốc nhựa dùng một lần; hộp xốp và thìa nhựa gói xôi; nước đóng chai nhựa; chiếc tăm bông thân nhựa… Hơn hết chiếc túi nilon ngày càng phổ biến từ khắp các ngõ ngách từ thành phố tới từng bản làng miền núi.
Chúng ta hồn nhiên dùng đồ nhựa và không quan tâm rằng một chiếc túi nilon mất 10-20 năm mới phân hủy được, một chiếc cốc nhựa xốp có thể mất đến 50 năm, còn chai nhựa đựng hóa chất thậm chí mất hàng trăm năm. Ở Việt Nam, nếu trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi nilon dùng một lần không được tái sử dụng, lượng chất thải nhựa từ sản phẩm sử dụng một lần lên tới 2,5 triệu tấn mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, việc sử dụng các vật liệu thay thế túi nilon đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Nói về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay các loại túi được coi là thân thiện với môi trường hiện nay như vải sáp ong, nilon tự hủy... cũng không thể so sánh với các loại thực vật như lá chuối, cây cỏ, cây lau về mức độ thân thiện với môi trường.
Còn xét về góc độ kinh tế, việc dùng các vật liệu thực vật không phải là quá mới. Trước khi túi nilon ra đời, con người đã dùng các vật liệu tự nhiên sử dụng trong sinh hoạt. Nói như vậy để thấy, đây không phải là loại vật liệu hiếm, đắt đỏ mà rất dễ kiếm và rất rẻ.
Mấu chốt của vấn đề hiện nay, chính là ý thức, thói quen của mỗi người dân trong việc sử dụng vật liệu bằng nhựa đã ăn sâu bám dễ từ lâu. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần tập trung các biện pháp truyền thông, để người dân thay đổi các thói quen không tốt này.
THIÊN ĐỨC