Anh Kim Jae-Hyun là một trong bảy nghệ nhân của Viện Phát triển Giáo dục-Văn hóa phi vật thể nhân loại Hàn Quốc tham gia trình diễn các hoạt động văn hóa dân gian Hàn Quốc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dịp này cho biết, anh rất vui khi được trình diễn nghệ thuật múa trống và xiếc dây, phục vụ các công chúng “nhí” Thủ đô Hà Nội.
Nghệ nhân Kim Jae-Hyun giải thích, múa trống Samulnori là một thể loại âm nhạc dân gian Hàn Quốc, bao gồm âm nhạc, nhào lộn, múa dân gian và nghi lễ. Theo truyền thống, Samulnori thường được những người nông dân Hàn Quốc tổ chức tại các làng trồng lúa để ăn mừng vụ mùa. Đến thời hiện đại, phần lớn những người nông dân Hàn Quốc đều xem loại hình âm nhạc này là âm nhạc truyền thống chủ đạo của Hàn Quốc, vì vậy, mọi người đều có ý thức cao trong việc gìn giữ, bảo tồn.
Samulnori được biểu diễn với bốn nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc được gọi là pungmul. Nghệ nhân khi biểu diễn Samulnori phải chuyển động cơ thể mạnh mẽ để tạo ra những tiết tấu, nhịp điệu sôi động và thể hiện một tinh thần năng lượng tràn đầy.
Còn đối với loại hình nghệ thuật xiếc dây (Jultagi Hàn Quốc, theo nghệ nhân Yang Kun Su, người trực tiếp tham gia biểu diễn tại Bảo tàng chia sẻ, đây là một loại hình văn hóa dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2011. Xiếc dây Hàn Quốc khác với phong cách biểu diễn trên dây của các quốc gia khác ở chỗ: người nghệ sĩ vừa biểu diễn vừa kể những câu chuyện hài hước, dí dỏm trên nền nhạc truyền thống vô cùng đặc sắc và cuốn hút.
Xiếc dây thường được tổ chức vào các ngày lễ tại Hàn Quốc như các ngày lễ Daeboreum, Dano và Chuseok. Làng dân gian Hàn Quốc ở Seoul cũng thường trình diễn loại hình nghệ thuật giải trí này để phụ vụ khách du lịch. Buổi biểu diễn thường có bộ ba tham gia gồm: một người chơi dây, một chú hề và người chơi nhạc cụ. Người nghệ sĩ khi biểu diễn xiếc dây có thể trình diễn trên 40 loại kỹ thuật trên dây như đi bộ, nhảy bằng một chân, ngồi bắt chéo chân, nằm, quỳ, giả vờ ngã xuống...
Đến với Chương trình “Khám phá văn hóa Hàn Quốc” dịp này, công chúng và các em thiếu nhi Thủ đô còn được học cách làm diều, được trải nghiệm mặc đồ Hanbok- trang phục truyền thống Hàn Quốc, vẽ tranh... Đặc biệt là được thăm quan, tìm hiểu những hộp văn hóa Hàn Quốc với những hiện vật văn hóa từ truyền thống đến hiện đại trong các gia đình người Hàn như: hộp đựng nữ trang, dụng cụ may vá, thêu thùa và các sản phẩm thêu thùa của phụ nữ; mũ đội đầu của phụ nữ trong hôn lễ, trâm cài tóc...
Em Nguyễn Hải Nhi, học sinh lớp 7, Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đi cùng nhóm bạn vào Bảo tàng Dân tộc học thăm quan, trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc, phấn khởi cho biết: Em rất thích tìm hiểu văn hóa của đất nước Hàn Quốc. Đến đây được xem các bác nghệ nhân biểu diễn xiếc dây, múa trống, em mê lắm, mê nhất là được xem nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn xiếc dây, họ tài quá! Em mong sau này lớn lên sẽ có dịp được đi du lịch Hàn Quốc để tìm hiểu sâu hơn văn hóa xứ sở kim chi”.
Chia sẻ về ý nghĩa của Chương trình “Khám phá văn hóa Hàn Quốc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi mong muốn tạo ra sân chơi cho các em nhỏ trong kỳ nghỉ hè, các em được khám phá văn hóa Hàn Quốc bằng cách được xem, được tận tay làm ra các sản phẩm truyền thống dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, góp phần nâng cao hiểu biết cho lớp trẻ về giá trị văn hóa truyền thống của bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để các em suy ngẫm học tập, nâng cao trách nhiệm bảo tồn và phát huy văn hóa quê hương Việt Nam.
NGỌC ÁNH