Khám phá Châu Đốc mà không đi xe lôi đạp thì chắc chắn bạn đã bỏ qua một nét văn hóa độc đáo nhất của vùng đất này. Xe lôi được coi là phương tiện vận tải quen thuộc của người dân miền Tây và từng là biểu tượng của lục tỉnh Nam kỳ. Thế nhưng khi cuộc sống ngày càng hiện đại, xe lôi cũng dần bị thay thế bởi các loại phương tiện khác, chỉ còn lại ở Châu Đốc. Đây là phương tiện di chuyển an toàn, giá rẻ, nhất là du khách Tây đều cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm.
Một trải nghiệm khác được rất nhiều du khách yêu thích khi du lịch Châu Đốc chính là khám phá cuộc sống của người dân sông nước chân chất, hiền hòa. Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, TP. Châu Đốc có làng nổi hết sức độc đáo với những chiếc bè san sát nối đuôi nhau trải dài dọc hai bờ sông. Khi nhìn người dân ở đây gói gọn mọi sinh hoạt trên chiếc bè ngang 4m, dài 7-8m, bạn như được khám phá một cuộc sống mới thật thú vị mang đậm nét đặc trưng của miền sông nước. Dọc theo dòng sông là những căn nhà nổi, những bè cá được xếp cạnh nhau tạo thành làng và kéo dài chừng 10km.
Châu Đốc nổi tiếng với việc phát triển nghề nuôi cá basa. Làng nổi cá bè Châu Đốc luôn xôm tụ và ngày thêm đông đúc. Mỗi hộ gia đình trong làng bè đôi khi không chỉ có một bè cá mà có đến vài bè cá, thậm chí là cả chục bè. Nếu như xưa kia, nơi những bè cá này, làng nổi này chỉ là nơi trú ngụ bình dị lặng lẽ của những hộ dân theo đuổi nghề nuôi cá basa thì nay nơi này trở thành điểm dừng chân thú vị của du khách. Tại đây, du khách có cơ hội tìm hiểu về nghề và cuộc sống của bà con vùng sông nước.
Ngoài làng nổi Châu Đốc, du khách ghé qua Búng Bình Thiên, một trong những hồ nước có hiện tượng thiên nhiên kì bí nhất trên thế giới. Hồ nước này chỉ dâng lên hạ xuống chứ không chảy, nước mênh mông trong vắt, khác xa với màu đục ngầu của sông hay kênh rạch xung quanh, ngay cả khi vào mùa lũ. Còn nếu chỉ muốn thong dong trên dòng nước trôi êm ả và thanh bình, bạn thuê thuyền thư thả ngao du mặt hồ. Quanh Búng Bình Thiên có đến bốn dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Trong đó cộng đồng người Chăm vẫn có những nét văn hóa riêng, độc đáo nhất và họ vẫn giữ được nếp sống văn hóa của riêng mình. Nơi đây, du khách được thấy những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau và thánh đường rộng lớn, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già đi lễ, những cô gái Chăm xinh đẹp trong trang phục truyền thống, trẻ thơ vui đùa trên đường làng... Đây sẽ là điểm du lịch thú vị từ những nét văn hóa, độc đáo, phong phú.
Châu Đốc còn có miếu bà Chúa Xứ (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc-An Giang) nổi tiếng nằm cách trung tâm TP. Châu Đốc khoảng 5km. Dù có một dịp lễ vía lớn vào 23 đến 27/4 âm lịch hàng năm, miếu vẫn được nhiều người dân và du khách tới chiêm bái mỗi ngày. Lễ hội cấp quốc gia Vía bà Chúa Xư núi Sam là lễ hội mang bản sắc dân tộc, đậm nét dân gian như chứa đựng nhiều sắc thái riêng của người dân An Giang. Ngoài thăm quan kiến trúc miếu, hay phong cảnh núi Sam, du khách còn có thể mua sắm vì nơi này tấp nập người mua bán và hàng quán không kém chợ Châu Đốc. Nơi đây có cụm di tích núi Sam nổi tiếng cao 284m với Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, vườn Tao Ngộ, đồi Bạch Vân. Nhiều du khách lên pháo đài ở đỉnh núi Sam để có dịp chiêm ngưỡng toàn cảnh Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế trải rộng trước mắt.
Nếu có thời gian, du khách có thể đến thăm các làng người Chăm sống xen lẫn với người Kinh, cứ mỗi buổi chiều, họ lại đến thánh đường để cùng nhau đọc kinh. Ở Châu Đốc có nhiều làng người Chăm với những đặc thù kinh tế riêng như làng người Chăm dệt thổ cẩm, làng người Chăm làm gốm… họ sống cùng với người Kinh nhưng trang phục của họ ăn mặc thường ngày, nhà cửa cũng được giữ nguyên bản sắc. Dạo quanh, bạn sẽ được thấy những ngôi nhà sàn đầy màu sắc, thánh đường Hồi giáo cổ kính, toát lên nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm sinh sống tại đây.
PHƯƠNG NGHI