Giải thưởng khẳng định uy tín
Du lịch văn hóa được xác định là 1 trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam. Trong những năm vừa qua, ngành Du lịch đã khai thác và sử dụng giá trị của các di sản như: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long... để phát triển du lịch.
Đặc biệt trong số đó, những di sản như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế và Quần thể danh thắng Tràng An, là những địa điểm thu hút khách du lịch lớn ở Việt Nam. Vịnh Hạ Long, Phố Cổ Hội An hay Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, còn giúp Việt Nam được nhắc đến và ghi danh trên bản đồ du lịch thế giới, với nhiều giải thưởng và bình chọn danh giá đến từ những chuyên trang du lịch uy tín trên thế giới.
Giải thưởng Du lịch Thế giới bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á” góp phần quan trọng, khẳng định sức cuốn hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên, cũng như tài nguyên văn hóa của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Đồng thời, cũng là minh chứng cho những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đất nước. Đây là cơ hội vàng tiếp tục khẳng định thương hiệu điểm đến quốc gia, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam, quảng bá rộng rãi những tiềm năng, thế mạnh đặc sắc của du lịch Việt Nam ra thế giới.
Không sai khi nhận định rằng, du lịch phát triển chính là nhờ văn hóa. Điều đó đã được chứng minh bằng số liệu cụ thể. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn 2015 - 2019, trước khi đại dịch Covid - 19 bùng phát, du lịch Việt Nam đã đạt được những dấu mốc ấn tượng với mức tăng trưởng trung bình về lượt khách đạt 22,7%/năm và về doanh thu đạt 20,7%/năm.
Riêng năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, tăng 16% so với năm 2018. Lượng khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, đóng góp 9,2% vào GDP của cả nước. Du lịch văn hóa đã khẳng định vai trò quyết định trong việc tạo nên kết quả ấn tượng này.
Đơn cử cho câu chuyện di sản văn là đòn bẩy cho du lịch, có lẽ không thể không nhắc tới Thừa Thiên - Huế. Huế có hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1993 (Quần thể di tích cố đô Huế) và 2003 (Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam); gần đây được hội nhập thêm với đời sống nhân loại 3 di sản ký ức thế giới là Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Từ thành phố văn hóa đã mở ra hướng phát triển kinh tế thích ứng là phát triển du lịch, nhất là du lịch di sản… Huế đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực về thị trường du lịch thông qua di sản văn hoá.
Nói về phát huy các giá trị di sản văn hoá để phát triển du lịch, ông Nguyễn Trung Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: Di sản văn hóa là nền tảng hình thành tài nguyên du lịch, tạo ra các sản phẩm thu hút khách du lịch. Các di sản khi đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch, góp phần tăng tổng thu từ khách du lịch, tăng hiệu ứng lan tỏa tác động phát triển các ngành kinh tế khác, tăng thêm việc làm cho người dân.
Tác động tương hỗ
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi cách mạng công nghệ 4.0 đang rất phát triển, du lịch sáng tạo trên nền tảng văn hóa được xem như một giải pháp, một hướng đi hữu hiệu để vượt qua được thách thức đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đặt ra vấn đề làm sao để hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch, khai thác hiệu quả thông qua sự tác động tương hỗ.
PGS.TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng Khoa Gia đình và Công tác xã hội (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, du lịch phát triển tạo tiềm lực để tôn tạo, trùng tu các di tích, phục dựng các lễ thức, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian…;đồng thời tạo nguồn thu nhập tại chỗ cho phép các địa phương tích lũy và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có văn hóa. Ngoài ra, bản thân du lịch còn có chức năng giáo dục thông qua các hoạt động ngành nghề, nó nhắc nhở mọi người về gốc gác văn hóa và giúp du khách thấu hiểu bản sắc của di sản, thúc đẩy mối quan tâm của công dân đến lịch sử, văn hóa, di sản.
Nhận định trên của PGS.TS Bùi Thanh Thủy dường như rất sát thực với thực tế đang diễn ra. Có thể thấy, những năm trở lại đây, các lễ hội truyền thống đang ngày càng được phục dựng nhiều hơn. Sở dĩ, cùng với mục đích bảo tồn văn hóa, thì yếu tố kích cầu du lịch cũng là mục tiêu hàng đầu.
Thiết nghĩ, mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa chính là mối quan hệ tương hỗ. Tuy nhiên, ngành Du lịch không nên quá coi trọng việc thu hút thật nhiều số lượng khách, mà cần hướng tới việc đa dạng các hoạt động phục vụ, dịch vụ để làm sao đáp ứng tối đa các nhu cầu của du khách. Một du khách được hưởng thụ nhiều dịch vụ hơn là nhiều du khách chỉ hưởng thụ một dịch vụ của di tích.