Chiều 8/1, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr; cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp thứ 29 là phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, với nội dung trọng tâm là cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào 15/1 tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 1,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét một số nội dung về tài chính, ngân sách gồm: việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV và xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Nhấn mạnh thời gian họp không dài, nhiều nội dung khó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến để bảo đảm chất lượng.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung đầu tiên: Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.