Nâng cao đời sống đồng bào DTTS
Tu Mơ Rông là huyện nghèo, có hơn 96% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Nhằm giúp đồng bào DTTS tiếp cận với các ứng dụng công nghệ thông tin, từ năm 2021 đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư cho công tác chuyển đổi số. Hiện 11/11 xã trên địa bàn huyện đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng và huyện đã đầu tư lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí tại khu vực trung tâm xã và Nhà rông của 60/86 thôn, làng.
Chi Y Thanh (dân tộc Xơ Đăng), xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trước đây tôi không biết chuyển đổi số là gì. Từ năm 2022 đến nay, khi được xã đầu tư hệ thống Wifi miễn phí và chúng tôi sử dụng điện thoại thông mình thì việc tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước rất nhanh chóng. Đặc biệt, có nhiều ứng dụng rất tiện tích, như: Tra cứu các thông tin cá nhân liên quan đến nơi cư trú, thẻ bảo hiểm y tế là mình vào tài khoản VneID.
Huyện Tu Mơ Rông có tiềm năng to lớn để phát triển nông nghiệp, dược liệu. Trong đó, từ tiềm năng này, địa phương đã phát triển được 30 sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, việc kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội chưa được đồng bào Xơ Đăng ứng dụng hiệu quả, mới đây, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức Chương trình tập huấn ứng dụng thương mại điện tử và livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Zalo, Facebook) cho đồng bào Xơ Đăng.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Hiện nay, công nghệ số được phát triển mạnh mẽ, buộc người bán hàng phải mở rộng tìm kiếm khách hàng trên các sàn điện tử. Tuy nhiên, từ trước đến nay, phương thức bán hàng trên sàn điện tử của người dân chưa được chuyên nghiệp, chưa tiếp cận được khách hàng, giá trị mang lại còn thấp.
Do đó, huyện mời các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp để trực tiếp tập huấn cho người dân bán hàng. Những nhà sáng tạo này là người có kinh nghiệm, có lượt theo dõi cao, sẽ trực tiếp truyền đạt cho người dân cách bán hàng hiệu quả.
Tỉnh Kon Tum có gần 55% dân số là đồng bào DTTS. Thực hiện Quyết định số 749, của Thủ tướng Chính phủ “về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay, hệ thống hạ tầng băng rộng cáp quang đã phủ 100% trung tâm xã và gần 60% hộ gia đình; có gần 450.000 người dùng internet, chiếm 76% tổng dân số toàn tỉnh; hơn 31.000 địa chỉ số đáp ứng các trường thông tin cơ bản; 100% xã có diểm phục vụ bưu chính viễn thông; thành lập 566 Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.519 thành viên tại 102 xã, phường, thị trấn…Việc chuyển đổi số giúp người dân vùng DTTS được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật, khoa học – kỹ thuật một cách nhanh chóng chỉ cần thông qua 1 chiếc điện thoại di động.
Anh A Kương (dân tộc Ba Na), Thôn trưởng thôn Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy chia sẻ: Chuyển đổi số đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Như bản thân tôi thường xuyên lên mạng Internet tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, cây sầu riêng. Từ đó, tôi áp dụng vào thực tiễn vườn cây của gia đình cho năng suất cao và tôi hướng dẫn cho bà con làm theo. Trong công tác tuyên truyền, thì cũng thuận lợi, vì xã thông tin qua nhóm Zalo, tôi tiếp nhận thông tin và tổ chức tuyên truyền ngay cho người dân về các chủ trương của địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong vùng đồng bào DTTS
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua và số liệu của Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 sẽ công bố trong thời gian tới, là cơ sở để tỉnh Kon Tum đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong vùng đồng bào DTTS.
Ông Nguyễn Trọng Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum cho biết: Việc chuyển đổi số giúp người dân được tiếp cận nhanh chóng các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao chất lượng sống ở vùng đồng bào DTTS.
“Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng số ở tỉnh Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: Hệ thống máy tính của nhiều đơn vị, địa phương nhất là cấp xã đã lạc hậu không đáp ứng yêu cầu, một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn lõm sóng di động; đội ngũ công chức, viên chức tham mưu chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; đầu tư cho chuyển đổi số mặt dù được các cấp, các ngành quan tâm nhưng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; người dân tiếp cận internet và ứng dụng các nền tảng số còn khó khăn, nguyên nhân do thu nhập thấp”, ông Nguyễn Trọng Tâm cho biết thêm.
Từ những khó khăn hiện nay, tỉnh Kon Tum kỳ vọng từ số liệu của Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 sắp được công bố, các cơ quan Trung ương, sẽ có những đánh giá tổng thể, khách quan những kết quả đạt được, những khó khăn thực tại; và đề ra chính sách, giải pháp đầu tư để thúc đẩy mạnh mẽ công tác chuyển đổi số đối với những tỉnh còn nhiều khó khăn và có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Ông Tiêu Viết Trinh, Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Thông qua việc chuyển đổi số thì rất thuận lợi cho Nhân dân và chính quyền địa phương trong công tác xử lý thủ tục hành chính và tuyên truyền, vận động Nhân dân. Nhưng để đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận nhanh chóng với công tác chuyển đổi số thì Trung ương cần có nhiều hơn nữa những chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS.
Xuất phát từ xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0, trong thời gian tới, ngoài nguồn lực đầu tư từ các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh Kon Tum tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; tập trung xóa vùng lõm sóng; đẩy nhanh xây dựng đô thị thông minh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực về công nghệ thông tin cho cho đội ngũ làm nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là đội ngũ ở tuyến huyện, xã; tăng nguồn nhân lực công nghệ có đủ trình độ hoàn thành nhiệm vụ.