Đây là hội nghị kết nối doanh nghiệp Ấn Độ với các tỉnh Tây Nguyên có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 200 doanh nhân tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận đã thảo luận về tiền năng xuất khẩu nông sản nói chung và mặt hàng sầu riêng nói riêng của tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, thảo luận về tình hình sản xuất, tiêu thụ sầu riêng của tỉnh; tiềm năng thị trường Ấn Độ và những quy định về nhập khẩu sầu riêng vào Ấn Độ và đàm phán xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Ấn Độ. Bên cạnh đó, các đại biểu còn trao đổi thông tin về chính sách thu hút đầu tư; các sản phẩm thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, dược phẩm; các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khi đến hợp tác đầu tư với Đắk Lắk…
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: Vừa qua các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk có các cơ hội gặp gỡ trao đổi ký kết các biên bản ghi nhớ với các đơn vị Ấn độ để xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Ấn Độ trong đó có sầu riêng. Hiện nay, các cơ quan liên quan hai bên đang hoàn tất thủ tục để mở cửa xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Ân Độ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần quan tâm đến tất cả các khâu chuỗi cung ứng, chủ động tìm hiểu các quy định của nước nhập khẩu.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lăsk có 2 huyện cấp Chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng, là Krông Pắc và Cư Mgar. Huyện Krông Búk và Ea Hleo đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ thương hiệu sầu riêng. Tháng 11/2023, hiệp hội Sầu riêng cùng Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk đã có chuyến thăm, làm việc; đồng thời; Hiệp hội Sầu riêng đã có ký kết MoU với một số hiệp hội thương mại và du lịch tại Bang Kerela, Ấn Độ. Nội dung thư bàn về việc hợp tác về việc tiếp cận thị trường cho các loại trái sầu riêng, chôm chôm và bưởi từ Việt Nam vào Ấn Độ. Trong đó đề cập đến việc chấp nhận các biện pháp kiểm soát dịch hại cho trái sầu riêng.
Theo Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng. Song việc xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ gặp một số khó khăn, như các doanh nghiệp tỉnh chưa hiểu biết về thị trường tiêu thụ, cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu sang Ấn Độ, người tiêu dùng của Ấn độ chưa thói quen ăn sầu riêng nhiều.… Để xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Ấn Độ, cần chú trọng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng mẫu mã bao bì, thuế suất, lượng tồn dư hóa chất theo quy định của Ấn Độ. Vì vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý kiểm soát vùng trồng là quan trọng nhất.
Tham dự hội nghị, các doanh nghiệp Ấn Độ còn được tìm hiểu, tham quan những gian hàng trưng bày sản phẩm của một số doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn mong muốn, sau Hội nghị này, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ, giới thiệu nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và tiến hành các hoạt động đầu tư, giao thương trên mọi lĩnh vực. Kỳ vọng Đắk Lắk sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản như sầu riêng, điều, cà phê… chất lượng cao cho các kênh phân phối ở Ấn Độ.
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: Việt Nam đã và đang là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trên toàn cầu nhờ vị trí chiến lược, chính trị ổn định, nguồn nhân lực có tay nghề cao. Việc gặp gỡ trực tiếp giữa doanh nghiệp Đắk Lắk - Ấn Độ lần này đã tạo cơ hội để doanh nghiệp Ấn độ hiểu biết thêm về môi trường đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực tại tỉnh Đắk Lắk. 56 doanh nhân Ấn Độ tham gia sự kiện lần này đến từ nhiều ngành khác nhau, bao gồm nông nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục,...
Trong khuôn khổ Hội nghị, đã có 52 biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết giữa các tổ chức doanh nghiệp hai bên.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã tặng Bằng khen cho cá nhân ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh và tập thể Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh.