Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, như biến thể Delta đang hoành hành tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 19/8, Bộ Y tế Israel lại thông báo đã phát hiện 10 trường hợp đầu tiên nhiễm chủng AY3 của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. AY3 là một trong những chủng đột biến mới của biến thể Delta được phát hiện trước đó, được cho là nguy hiểm hơn các chủng khác.
Theo thông báo từ Bộ Y tế Israel, trước việc phát hiện chủng AY3 của biến thể Delta, Bộ này đã thông báo Quốc hội về tính nguy hiểm của chủng virus mới và khuyến nghị khả năng phong tỏa toàn quốc lần thứ 4 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 20/8, đã có 188.713.220 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 17.651.858 ca bệnh đang điều trị, có 17.543.665 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 108.193 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 149.746 ca nhiễm mới, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ (37.312 ca) và Brazil (35.991 ca). Trong khi đó, Indonesia là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.492 ca, sau đó là Brazil (1.030 ca) và Mỹ (935 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 67.068.604 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 20/8, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục ghi nhận thêm 265.913 ca nhiễm mới và 5.019 ca đã tử vong do COVID-19. 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 32.358.210; 6.157.772 và 4.587.683 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp tử vong cao nhất là: Ấn Độ (433.622 ca); Indonesia (122.633 ca) và Iran (100.255 ca).
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 141.063 ca nhiễm và 1.419 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 53.839.351 ca nhiễm mới và 1.156.141 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Nga, Pháp và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 6.684.531; 6.557.356 và 6.392.160 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Đồng thời, Nga cũng là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 173.700 ca, sau khi ghi nhận thêm 791 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Anh (131.373 ca) và Italy (128.634 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 45.774.568 ca, trong đó có 968.809 ca tử vong và 36.653.606 ca được điều trị khỏi. Với 38.226.616 ca nhiễm và 643.080 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 3.152.205 và 1.461.141 ca nhiễm, cùng 250.469 và 26.777 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 51.578 ca nhiễm và 1.422 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 36.485.168 ca và 1.117.595 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 35.991 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 10.596 ca và Colombia với 3.193 ca. Cùng với đó, với 1.030 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 189 ca tử vong mới và Colombia với 120 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 20/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 7.472.881 ca, trong đó có 187.588 ca tử vong và 6.571.561 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.652.652 ca nhiễm và 78.694 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 13.671 ca nhiễm mới và 317 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 791.559 và 632.328 ca nhiễm bệnh cùng 11.472 và 22.304 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 136.856 ca nhiễm (tăng 1.544 ca) và 1.854 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 9 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info hiện là Fiji với 781 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 42.611 ca, trong đó 421 ca tử vong (tăng 8 ca)./.