Xã Thuận, huyện Hướng Hóa có 638 hộ, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 80%. Thời gian qua, ngoài việc tranh thủ các nguồn lực, đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, xã đã có những giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.
Ông Hồ Ta Cô, Chủ tịch UBND xã Thuận cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các chính sách hỗ trợ nên đồng bào DTTS trong xã đã biết khai hoang trồng lúa nước và trồng các loại cây phù hợp với đất đai, khí hậu. Toàn xã hiện có hơn 650ha sắn, 344ha chuối, gần 300ha cây ăn quả…
Theo Chủ tịch UBND xã Thuận, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế cho thu nhập cao, như gia đình ông Hồ A Kiêm, Hồ A Vương,… Đến cuối năm 2017, xã Thuận đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Cũng như xã Thuận, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở các xã A Dơi, Ba Tầng,... của huyện Hướng Hóa đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tập trung phát triển kinh tế.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở đây đã biết vận dụng nguồn hỗ trợ của Nhà nước như chương trình hỗ trợ cây giống và vật nuôi, máy sản xuất nông nghiệp... một cách có hiệu quả, cùng với đó bà con đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư vào sản xuất nông nghiệp như trồng sắn, chuối, cà phê, hồ tiêu, trồng rừng, bời lời, cao su, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, đào ao thả cá…Vì vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững vươn lên làm giàu ngay trên quê hương của mình.
Ông Ẳm Vang, ở xã Thuận cho biết: Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường giao thông liên xã đã tạo điều kiện cho bà con đi lại và giao thương phát triển kinh tế. Để tận dụng lợi thế này gia đình ông đã vay vốn ngân hàng đầu tư trồng 5ha sắn, 2ha cây bời lời, 1ha ruộng nước, vườn cây lâm nghiệp và chăn nuôi thêm lợn bản, dê, mỗi năm đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng và tạo được nhiều việc làm cho lao động trong bản làng. Có thu nhập, kinh tế khá giả, con cái ông được học hành đầy đủ. Hiện nay con lớn của ông đang theo học đại học ở thành phố, còn mấy đứa nhỏ đang học ở trường huyện..
Theo ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế, những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc, huyện đã tranh thủ nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình phúc lợi phục vụ sản xuất và dân sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người như điện, đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Đồng thời, huyện đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ làm nhà ở, các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân… Cùng với đó đã phân công các phòng, ban, ngành, đoàn thể đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn, tăng cường cán bộ về giúp các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao vì vậy hiện nay bộ mặt nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, 100% xã có điện, có đường ô tô vào trung tâm xã, trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố…
Tuy nhiên để mức sống của đồng bào cao hơn, nhất là giảm nghèo thật sự bền vững, trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có ý thức vươn lên thoát nghèo cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cũng như quan tâm đến việc học tập của con em và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
DƯƠNG THUẦN