Trước đây, gia đình chị Hồ Thị Chưng là hộ nghèo của thôn A Xóc, Xã Hướng Việt, Huyện Hướng Hóa. Được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vợ chồng chị đầu tư trồng 1.000 gốc cây bời lời, hơn 1 sào sắn và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
“Nếu thuận lợi thì 3 năm nữa, bời lời sẽ cho thu hoạch và gia đình sẽ có nguồn thu nhập khá. Từ năm 2019, gia đình tôi đã xin ra khỏi hộ nghèo của thôn, để nhường chính sách hỗ trợ cho gia đình khó khăn hơn”, chị Chưng tâm sự.
Gia đình chị Chưng là một trong hàng nghìn hộ đồng bào DTTS trên địa bàn Huyện Hướng Hóa được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Theo thống kê của UBND Huyện Hướng Hóa, trong 5 năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giúp người dân phát triển sản xuất; đồng thời mở các lớp đào tạo nghề về trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy móc cho người dân...
Chỉ tính năm 2019, toàn huyện có 17 xã và 8 thôn được hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng vốn 4,8 tỷ đồng, mức bình quân 258,9 triệu đồng/xã, 50 triệu đồng/thôn. Từ nguồn này, các xã đã tập trung thực hiện hỗ trợ giống lúa, cây giống lâm nghiệp, bò, lợn, gà, nông cụ sản xuất với 1.210 hộ/5.128 khẩu hưởng lợi.
Cùng với hỗ trợ sản xuất, Huyện Hướng Hóa cũng lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình (Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới…) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.
Trong năm 2019, toàn huyện đã đầu tư 49 công trình phục vụ dân sinh, phúc lợi công cộng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí gần 18,2 tỷ đồng. Những công trình này đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của Huyện Hướng Hóa. Nếu như năm 2016, toàn huyện có 6.695 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ tới 34,59% thì đến cuối năm 2019, số hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 4.708 hộ, chiếm tỷ lệ 21,25%.
Ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Huyện Hướng Hóa, khẳng định: Xác định kết quả thực hiện công tác giảm nghèo là động lực để địa phương hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác, cùng với việc sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, các cấp chính quyền đã chú trọng lồng ghép các nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo.
“Để giảm nghèo bền vững, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng, thì sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo là hết sức quan trọng. Chỉ khi nào bản thân người nghèo nhận thức được cần phải nỗ lực vươn lên thì khi đó các chính sách hỗ trợ của chính quyền, của xã hội mới thực sự hiệu quả, việc thoát nghèo mới thực sự bền vững”, ông Tuấn chia sẻ.