Buổi họp báo diễn ra ngay sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm đánh giá tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng năm 2024; tình hình phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại Phiên họp thường kỳ, Chính phủ thống nhất nhận định: Trong bối cảnh nêu trên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; sự đồng hành của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự tích cực tham gia, ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương, tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đà phục hồi tích cực, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, góp phần củng cố nền tảng để đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu đề ra cho năm 2024.
Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ở cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 8 tăng 2% so với tháng 7 và tăng 9,5% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 8,6%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,9%; 8 tháng tăng 8,5%. Khách quốc tế 8 tháng đạt gần 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ 2019 (giai đoạn trước dịch COVID-19).
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 4,04% (lạm phát cơ bản tăng 2,71%). Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,85 tỷ USD, tăng lần lượt 6% và 21,7% so với cùng kỳ); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tăng 3,7% so với tháng 7 và 14,5% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%; xuất siêu 19,07 tỷ USD…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh lại kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, cố gắng hơn nữa, chủ động, tích cực thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, xử lý các vấn đề phát sinh và triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, của cấp trên, bám sát tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; trong đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.
Theo đó, để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.
Tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời, mở rộng cơ sở thu; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.
Kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm; chủ động điều hành bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng. Chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng cùng lúc, không điều hành giật cục.
Các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ tập trung chuẩn bị, rà soát, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ các Đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị kỹ các tài liệu phục vụ Hội nghị Trung ương 10 và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV. Đồng thời, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng…