Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (77.354.804 ca), vượt xa châu Âu (60.691.503 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 54.565.033 ca và Nam Mỹ với 38.052.613 ca. Châu Phi (8.472.941 ca) và châu Đại Dương ( 261.099 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại châu Á, nhiều nước tiếp tục ghi nhận thêm số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở mức cao trong ngày 12/10 như: Ấn Độ ghi nhận 16.021 ca mắc mới và 229 ca tử vong; Iran ghi nhận 13.391 ca mắc mới và 213 ca tử vong; Thái Lan ghi nhận 9.445 ca mắc mới và 84 ca tử vong; Philippines 8.615 ca mắc mới và 236 ca tử vong,…
Trong khi đó, một số nước đang thúc đẩy việc tiêm liều vaccine tăng cường như Campuchia, Nhật Bản,… Cụ thể, Campuchia đã khởi động chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh chiến dịch tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành tại nước này đã hoàn thành trên 99%. Còn tại Nhật Bản, Chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio đang thúc đẩy các bước để có thể sớm triển khai tiêm liều vaccine tăng cường kể từ tháng 12.
Tại châu Âu, Nga đã ghi nhận thêm 973 ca tử vong, con số cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu ở nước này và 28.190 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm bệnh kể từ đầu đại dịch lên khoảng 7,8 triệu người. Do sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, nhiều địa phương ở Nga đã thắt chặt các hạn chế. Bên cạnh đó, chính phủ Nga đang đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ mắc bệnh nặng. Tại Italy, luật quy định tất cả người lao động phải xuất trình "thẻ xanh COVID-19" khi đến nơi làm việc sắp có hiệu lực từ ngày 15/10, nhằm khuyến khích người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Cho đến nay, châu Phi là lục địa có tỉ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp nhất thế giới. Sau hơn 10 tháng kể từ liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được tiêm trên thế giới và gần 2 năm bị đại dịch hoành hành, châu Phi hiện chỉ có 5% dân số đủ điều kiện đã hoàn thành tiêm chủng. Nguyên nhân là do châu lục này phụ thuộc nhiều vào vaccine nhập khẩu cũng như yếu kém về công nghệ./.