Mưa lớn làm mực nước ở thượng lưu các sông đang lên nhanh. Cảnh báo lũ trên các sông tiếp tục lên và đạt đỉnh. Đỉnh lũ trên các sông lên ở mức báo động 1, 2, riêng sông Thạch Hãn có khả năng lên trên báo động 2.
Chính quyền địa phương, phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Trị đã tổ chức sơ tán hơn 1.100 hộ với gần 3.000 người dân ở các vùng xung yếu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở núi đến nơi an toàn. Trong đó huyện Gio Linh 90 hộ, Cam Lộ 644 hộ, Đakrông 88 hộ, huyện Hướng Hóa 32 hộ, thị xã Quảng Trị 129 hộ…
Có 32 điểm giao thông tại các huyện miền núi gây chia cắt do lũ. Tuyến đường Hồ Chí Minh sạt lở tại km 267+700 với khối lượng hơn 50m3 tràn ra 2/3 mặt đường. Tuyến đường 587 đi xã Húc bị sạt lở 2 điểm với khối lượng gần 50m3. Tuyến đường từ xã Hướng Tân vào Hướng Linh đang bị sạt lở tại km 2+150 đến km3+300 với khối lượng khoảng 20 m3.
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp trong những ngày này tỉnh Quảng Trị cũng đã lập nhiều Đoàn công tác gồm các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 4 và hoàn lưu gây mưa lũ trên địa bàn.
Đồng thời chỉ đạo và yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với hoàn lưu gây mưa sau bão, nhất là đối với các vùng dọc bờ biển, vùng thường xuyên ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, ngập cục bộ.
Chủ động triển khai công tác sơ tán dân, phải xem sự an toàn về tính mạng, tài sản người dân là trên hết. Tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực người dân được sơ tán đến. Kiểm tra, rà soát lại các phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống bất trắc xảy ra.
Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngầm tràn, ngập lụt, chia cắt; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nơi dễ sạt lở đất. Không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, lán trại thi công.
Khẩn trương thu hoạch sắn, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài.
Rà soát phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và vùng hạ du. Bố trí vật tư, phương tiện, lực lượng sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Tạm dừng thi công các công trình từ ngày 19/9/2024 cho đến khi kết thúc các hình thế thời tiết nguy hiểm.