Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 29/7, đã có 178.078.130 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 14.279.619 ca bệnh đang điều trị, có 14.279.619 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 86.542 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 61.249.920 ca. Trong đó, 883.167 ca đã tử vong do COVID-19 và 57.458.408 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 31.526.622; 5.660.469 và 3.792.014 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 422.695; 51.124 và 89.782 ca.
Với 51.128.103 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 29/7, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó có 1.130.029 ca tử vong và 46.669.850 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 134.475 ca nhiễm và 1.139 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Pháp và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 6.195.232; 6.054.049 và 5.770.928 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Nga hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 156.178 ca, sau khi có thêm 798 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Anh (129.430 ca) và Italy (128.010 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 124.194 ca nhiễm COVID-19 và 1.226 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 42.200.632 và 937.121 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 35.487.452 ca nhiễm và 628.098 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.771.846 và 1.428.683 ca nhiễm, cùng 239.079 và 26.570 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 77.934 ca nhiễm và 2.381 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 35.328.477 ca và 1.083.370 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 48.443 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 19.797.516 vào thời điểm hiện tại, và 1.366 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 553.272 ca.
Tính đến sáng 29/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 6.638.773 ca, trong đó có 167.571 ca tử vong và 5.805.655 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.408.525 ca nhiễm và 70.908 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 17.302 ca nhiễm và 520 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 597.876 và 578.962 ca nhiễm bệnh cùng 9.665 và 19.027 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 100.450 ca nhiễm (tăng 1.421 ca) và 1.512 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 13 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 206 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 33.474 ca, trong đó 921 ca tử vong (tăng 1 ca).
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Delta, các quốc gia trên thế giới đang không ngừng đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.
Bộ Y tế Cộng hòa Séc cho biết đã triển khai được tiêm hơn 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đạt 10.064.380 liều tính đến hết ngày 26/7. Việc tiêm chủng bắt đầu được thực hiện vào cuối tháng 12/2020, với hơn 4,64 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng đủ 2 liều trên tổng số 10,7 triệu dân. Tại Cộng hòa Séc, có 4 loại vaccine đã được sử dụng gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Trong đó, khoảng 82% là Pfizer/BioNTech, hơn 8% là AstraZeneka và Moderna. Vaccine Johnson & Johnson chỉ sử dụng một liều, đã được tiêm cho hơn 122.700 người.
Sau cuộc họp nội các ngày 26/7, Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtech cho biết, theo thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) về việc viện trợ 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước ngoài EU, Chính phủ Séc đã quyết định viện trợ 2,39 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước khu vực Balkan, châu Á và châu Phi, trong đó có 250.000 liều vaccine tặng cho Việt Nam để chống dịch.
Tập đoàn công nghệ Google thông báo tất cả các nhân viên của công ty này bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi trở lại văn phòng làm việc. Như vậy, Google trở thành công ty công nghệ đầu tiên tại Mỹ thực hiện chính sách này trong bối cảnh số ca nhiễm và nhập viện vì COVID-19 đang tăng cao do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.
Cũng tại Mỹ, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã nhất trí kéo dài thời hạn sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) từ 4 tháng rưỡi lên 6 tháng với nhiệt độ bảo quản từ 2-8 độ C.
Trong khi đó, tại châu Âu, hộ chiếu vaccine đang được tăng cường sử dụng tại các quốc gia, cho phép người sở hữu là những người đã được tiêm chủng, khỏi bệnh hoặc xét nghiệm âm tính, được quyền tới một số địa điểm công cộng. Hiện nay đã có 33 quốc gia nằm trong Liên minh châu Âu (EU) và ngoài EU áp dụng "thẻ xanh kỹ thuật số về COVID-19". Một số quốc gia EU đã tích hợp quyền quốc gia vào giấy thông hành y tế châu Âu. Điều này có nghĩa bằng cách xuất trình chứng chỉ này trên lãnh thổ quốc gia, người sở hữu có thể được vào các địa điểm khác nhau mà không cần phải tuân theo các hạn chế./.