Hội nữ Doanh nhân Việt Nam - Asean (VACWE) được thành lập bởi sự cho phép của Trung ương Hội Khoa học Đông Nam Á Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Doanh nhân Việt Nam - Asean.
Là một trong những tổ chức của nữ doanh nhân tiêu biểu, Hội hướng tới sứ mệnh tập hợp sức mạnh đội ngũ nữ doanh nhân trong và ngoài nước, hợp tác phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại. Đồng thời nâng tầm hình ảnh, tư duy và phong cách lãnh đạo của các nữ doanh nhân.
Với sứ mệnh đó, ngay từ khi thành lập, Hội đã xác định giá trị cốt lõi của mình là tạo ra tiếng nói chung và những giá trị cao nhất cho cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước theo đường lối của Đảng - Vì một Việt Nam hùng cường, là nơi nữ doanh nhân trao và nhận những cơ hội, giá trị “thật”.
Được thành lập trong bối cảnh dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, Hội đã vượt qua những khó khăn, thách thức, nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm, thông qua nhiều chương trình ý nghĩa, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đồng thời tham gia, tổ chức các chương trình từ thiện, chương trình tôn vinh cộng đồng.
Đặc biệt, trong năm 2023, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Xây dựng “Hành trình Văn hóa Thương mại Asean” phát triển bền vững; Tổ chức chương trình doanh nhân gặp mặt Đại sứ Malaysia, một quốc gia có hơn 60% là người Hồi giáo, là cửa ngõ của thị trường Halal, với mục tiêu xây dựng và thực hiện “Khát vọng vươn xa”; Thực hiện “Hành trình Văn hóa Thương mại Việt Nam - Châu Âu”, đưa sản phẩm văn hóa Việt Nam đến 3 nước Pháp, Đức, Ba Lan; Tổ chức chương trình Xúc tiến Thương mại Hợp tác Đầu tư và Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia…
Từ đó góp phần đưa văn hóa thương mại Việt Nam ra thế giới, bắt đầu từ các nước Asean và lan tỏa toàn cầu. Đây cũng là nhiệm vụ và mục tiêu để Hội thực hiện vai trò, nghĩa vụ của mình trong phát triển kinh tế đất nước, thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ và chung tay với cộng đồng.
Nhờ những hoạt động hiệu quả trong kết nối nữ doanh nhân tại Việt Nam, Hội nữ doanh nhân Việt Nam - Asean đã và đang khẳng định vai trò của mình, từ đó tạo động lực, niềm tin cho các hội viên tham gia.
Là một trong những thành viên dù chỉ mới tham gia vào Hội, chị Đinh Thị Thùy (sinh năm 1963, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ, chị không khỏi ngạc nhiên và cảm thấy vinh dự khi được tham gia các hoạt động Hội, bởi sự tâm huyết, nhiệt tình trong việc kết nối các nữ doanh nhân của Ban lãnh đạo Hội.
“Đây thực sự là cơ hội rất tốt cho các hội viên như mình có thể giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh với các nữ doanh nhân trong nước và quốc tế”, chị Thùy khẳng định.
Không chỉ dừng lại ở vai trò kết nối doanh nghiệp, Hội nữ doanh nhân Việt Nam - Asean còn tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các thành viên là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ở vùng đồng bào DTTS, doanh nghiệp đặc thù, với mong muốn đồng hành cùng các nữ doanh nhân trên mọi miền Tổ quốc, hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam vững mạnh.
Luôn tham gia tích cực vào các hoạt động Hội ngay từ những ngày đầu thành lập, chị Lương Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1971), Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển năng lực người khuyết tật Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng cho hay, với nhiều hoạt động thiết thực, Hội đã tạo điều kiện để chị em doanh nhân gặp gỡ, giao lưu và học hỏi để cùng nhau phát triển không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt tinh thần.
“Đó là động lực lớn lao đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ, yếu thế giống như chúng tôi, tạo tiền đề, cơ hội được cạnh tranh công bằng trong môi trường kinh doanh, từ đó khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp tích cực của người yếu thế vào sự phát triển chung của Hội và đất nước”, chị Nguyệt nhấn mạnh.
Còn đối với chị Hoàng Thị Huyền (sinh năm 1975), một nữ doanh nhân dân tộc Tày, đối với các doanh nghiệp vùng DTTS, Hội nữ doanh nhân Việt Nam - Asean cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi số và nhất là hướng dẫn các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh, một trong những vấn đề còn khiến khá nhiều doanh nghiệp DTTS lúng túng…
Đặc biệt, tham gia vào các buổi tọa đàm, nhiều chương trình từ thiện, sẻ chia với cộng đồng, hay các hoạt động thường niên của Hội như Báo công dâng Bác, cũng là cơ hội để chị cùng các chị em vùng đồng bào DTTS có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu văn hóa, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng. Đây là lí do mà chị rất mong muốn được đồng hành cùng các hoạt động của Hội, để không những phát triển chính bản thân, mà còn có thể góp phần mang lại nhiều giá trị ý nghĩa, đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.