Di chỉ Mái Đá Ngườm là một trong những di tích Khảo cổ học tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóa xếp hạng tại Quyết định số 147/QĐ-VH ngày 24/12/1982. Ngày 15/3/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 628/QĐ-BVHTTDL về việc cho phép Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại di chỉ Mái đá Ngườm. Đây là một di tích Khảo cổ học ở vùng rừng núi cao, phân bố rộng, di tích được phát hiện vào năm 1980. Trong cùng năm đó, địa điểm này được đào thăm dò với diện tích 1m2. Năm 1981 Mái đá Ngườm chính thức được khai quật lần thứ nhất với tổng diện tích 28m2. Năm 1982, di chỉ Mái đá Ngườm được tiến hành khai quật lần thứ 2 thu được số lượng lớn, cung cấp nhiều dữ liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn về kỹ nghệ mảnh không chỉ ở Việt Nam mà còn phạm vi Đông Nam Á. Năm 1985- 1986, đợt khai quật lần thứ 3 được Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành với diện tích 1m2. Năm 2017, di chỉ Mái đá Ngườm được khai quật lần thứ 4 và năm 2024 là khai quật lần thứ 5.
Qua cuộc khai quật lần này, đại diện Viện Khảo cổ học Việt Nam đã báo cáo sơ bộ kết quả cho thấy diện tích khai quật 6m2. Hố khai quật được mở rộng trên cơ sở tiếp tục mở rộng phạm vi hố khai quật năm 2017 tại ô G và H. Kết quả cho thấy, cuộc khai quật này phát hiện sự tồn tại của các lớp văn hóa có cấu trúc và màu sắc hoàn toàn khác biệt. Qua đánh giá ban đầu, các nhà khoa học, các nhà quản lý đều tập trung cho rằng: đây là một trong những di tích khảo cổ học có giá trị, hiếm gặp ở trong nước, phân bố ở khu vực Đông Nam Á, đây là nơi phát hiện đầu tiên. Kết quả khai quật lần thứ 5 này được các nhà nghiên cứu khoa học khảo cổ học đánh giá cao, di tích có nhiều tiềm năng giá trị về khảo cổ học, cổ sinh, địa chất, địa mạo, cảnh quan, môi trường, trong tương lai cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để có thể nâng tầm di tích tương xứng với giá trị vốn có.