Tiếp nối truyền thống đoàn kết, hoà hợp dân tộc
Cà Mau hiện có 32 dân tộc thiểu số, với 11.752 hộ, trên 48 nghìn người, đông nhất là dân tộc Khmer có 9.732 hộ, với khoảng 39 nghìn người. Đồng bào dân tộc Khmer có truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động, khai hoang lập làng, phum sóc và cùng nhau đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Đồng bào dân tộc Khmer đa phần theo đạo Phật thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, do vậy toàn tỉnh Cà Mau hiện có 07 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 10 Salatene với 21 vị sư sãi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã trở thành cơ sở hoạt động cách mạng. Đồng thời, còn là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ. Nhiều sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer đã trở thành cán bộ chiến sĩ cách mạng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cùng chung sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Điển hình như ông Lâm Nuôl, từng xuất gia và tu tại chùa Chắc Băng ( Kiên Giang) trong thời chiến, đến năm 1966, ông về Cà Mau công tác ở Hội Đoàn kết SSYN tỉnh, là Sư cả trụ trì chùa Tam Hiệp, huyện Trần Văn Thời. Trong bối cảnh đó, ông Lâm Nuôl lại vận lên bộ cà sa chung thuỷ vẹn tròn với lý tưởng cách mạng mà Bác Hồ, Đảng đã lựa chọn cho dân tộc.
“Sau giải phóng, ông hoàn tục, tiếp tục công tác ở Ban Khmer vận Cà Mau, rồi đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau. Ông Lâm Nuôl trở thành Đại biểu Quốc hội liên tiếp 3 khoá VI, VII và VIII, đến nay ông vẫn là cố vấn cho Hội đoàn kết SSYN tỉnh.
Hoà thượng Thạch Hà, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh, Hội trưởng Hội đoàn kết SSYN tỉnh, chia sẻ: Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về việc tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, trong giai đoạn hiện nay, Hội đoàn kết SSYN tỉnh Cà Mau đã thể hiện tốt vai trò là trung tâm đoàn kết, vận động bà con dân tộc Khmer, tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Các thành viên của Hội luôn tích cực tham gia công tác phật sự chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và công tác xây dựng chính quyền. Qua đó, tạo nên những bước phát triển mới, sức sống mới trong cộng đồng các dân tộc, tôn giáo.
Đặc biệt, các vị hội trưởng, phó hội trưởng Hội đoàn kết SSYN, còn giữ vị trí quan trọng trong GHPG Việt Nam tại địa phương, càng thể hiện sự gắn kết hiệu quả trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
"Các vị sư sãi Phật giáo Nam tông, là những người có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của đồng bào Khmer, được Nhân dân sùng kính. Tiếng nói và các ý kiến của các vị có ý nghĩa, tầm quan trọng đối với sinh hoạt của đồng bào Phật tử. Vì thế, khi các vị giữ vai trò là Trưởng ban trị sự GHPG Việt Nam của tỉnh, sẽ tiếp tục làm cho vị thế và uy tín tăng lên, góp phần cho việc giữ gìn truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới". Hoà thượng Thạch Hà chia sẻ.
Nơi gửi gắm niềm tin của phật tử Khmer
Thông tin về hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Cà Mau và các chùa Khmer, Thượng toạ Hữu TI Na, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết SSYN tỉnh Cà Mau, Trụ trì chùa Cao Dân khẳng định: Đối với đồng bào Khmer, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, các vị sư sãi là tấm gương đạo đức để phật tử noi theo. Những giáo huấn, răn dạy phật tử, Nhân dân chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của địa phương tại các chùa, luôn được phật tử, người dân nghe theo và thực hiện nghiêm túc. Qua đó, tạo sự đồng thuận gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, tôn giáo tạo nên những bước phát triển mới trong đời sống kinh tế-xã hội, tạo sức sống mới trong cộng đồng dân tộc, tôn giáo Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn.
Bên cạnh đó, với phương châm “ Đạo pháp - Dân tộc”, Hội Đoàn kết SSYN tỉnh Cà Mau xác định, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, thể hiện sự mở rộng nhân ái, hạnh nguyện, từ bi của người con Phật. Chư tăng, phật tử đã tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, công tác giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, đóng góp quỹ khuyến học, hiến đất xây trường học... Năm 2021, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau đã ủng hộ cho Ban Dân tộc tỉnh 01 tấn gạo để hỗ trợ cho 50 hộ DTTS huyện Đầm Dơi đang có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi Đại dịch COVID-19.
Trong dịp hè từ năm 2017 – 2022, Hội Đoàn kết SSYN tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành tổ chức việc dạy và học chữ Khmer. Trung bình mỗi năm vào dịp hè, các địa phương trong tỉnh mở khoảng 30 lớp dạy và học chữ Khmer tại 20 điểm trường, số lượng con em theo học từ 600 đến 700 em. Giáo viên của các lớp, là các vị sư sãi, Ban Quản trị các chùa, salatene, achar đã qua các lớp tập huấn đào tạo hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm chữ Khmer. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều ấp, khóm, ngôi chùa được công nhận là cơ sở văn hóa.
Tại Đại hội đại biểu Hội Đoàn kết SSYN tỉnh nhiệm kỳ 2023 - 2028, ông Trần Văn Hiện, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã ghi nhận: Hội Đoàn kết SSYN tỉnh luôn thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đoàn kết đồng bào, phật tử cùng chung tay xây dựng đời sống văn hoá mới. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn, cùng tương trợ lan toả tấm lòng từ bi của những người con Phật. Thực hành đường hướng tốt đẹp trong hoạt động tôn giáo, củng cố lòng tin của đồng bào Khmer đối với Đảng, Nhà nước.