Đối với người Khmer, các vị sư có vị trí và ảnh hưởng rất lớn với đồng bào phật tử. Các vị sư được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh, bởi vậy luôn là người thầy được đồng bào Khmer tôn kính và tin tưởng, theo đó các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã (phum sóc) của người Khmer trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đồng thời là nơi gìn giữ, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Đặc biệt, vào dịp hè năm 2023, các địa phương đã triển khai thực hiện tổ chức dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa, góp phần bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS. Theo đó, việc tổ chức dạy và học chữ Khmer thường được tổ chức tại các điểm chùa, salatel; hoặc các điểm trường và gia đình hộ dân ở vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống... được bà con Khmer đồng tình hưởng ứng.
Chỉ tính trong 2 tháng hè, đã triển khai thực hiện tại 18 điểm dạy, với 27 lớp, đã thu hút 481 học sinh theo học. Tập trung nhiều nhất ở các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình.
Điển hình như tại chùa Rạch Giồng (Chùa Serymengcol), toạ lạc ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Chùa Rạch Giồng là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất và cổ xưa ở Cà Mau. Nhiều năm qua, Ban Quản trị chùa đều có mở lớp học tiếng Pali, giáo lý và chữ Khmer cho tăng sinh, cho con em đồng bào phật tử. Chùa còn lưu giữ nhiều sách, báo để phật tử, bá tánh tra cứu và học tập; con em phật tử đồng bào dân tộc Khmer đều được chùa tạo điều kiện học hành và nhiều học sinh đã được chùa giới thiệu học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cà Mau.
Sư Danh Béo, Phó trụ trì Chùa Rạch Giồng, là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy chữ Khmer tại điểm chùa chia sẻ: “Sư rất vui vì được tham gia dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Sư thấy việc làm này rất có ý nghĩa và thiết thực đối với việc gìn giữ chữ viết, tiếng nói dân tộc Khmer cho các em sau này”.
Không chỉ mở các lớp dạy chữ viết Khmer, chùa Rạch Giồng còn là nơi gìn giữ, lưu truyền âm nhạc truyền thống của người Khmer, nổi bật là nghệ thuật chơi nhạc trống lớn. Trống lớn (Skor Thom), là loại trống lớn nhất của đồng bào người Khmer, thường cất giữ ở các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Người Khmer xem trống lớn là vật linh thiêng.Trống lớn được bà con sử dụng rất nhiều trong lao động sản xuất, âm nhạc, phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội...;
Nhạc trống được thực hành trong cộng đồng Khmer từ những năm cuối thế kỷ 19. Hiện nay, vẫn được các đồng bào dân tộc Khmer duy trì, thể hiện tại chùa Rạch Giồng và chùa Cao Dân, xã Tân Lộc, Thới Bình. Tại chùa Rạch Giồng đang mở lớp dạy nghệ thuật nhạc trống lớn này cho nhiều thanh niên và các em nhỏ đến học.
“Tôi hy vọng loại hình văn hoá nhạc trống lớn này được duy trì, nên tôi cố gắng hết sức mở ra lớp dạy nhạc, hy vọng thế hệ mai sau học được và kế thừa, và không phải chỉ người Khmer mới biết nhạc trống lớn, mà tất cả dân tộc khác cũng có thể học và nhân rộng”, Đại đức Hữu Nhiều, Trụ trì Chùa Rạch Giồng bày tỏ.
Bà Quách Kiều Mai, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết, Bà tham gia nhiều đoàn công tác xuống cơ sở, thăm và tặng quà hộ nghèo trong các ngày lễ truyền thống của đồng bào Khmer, hay tham gia chúc tết tại các chùa... bà nhìn nhận rất rõ việc thực hiện công tác dân tộc gắn với tôn giáo trong đồng bào dân tộc Khmer, luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chăm lo bằng nhiều chính sách cụ thể, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và của cả tỉnh Cà Mau.
"Trong đó, các chùa Khmer là nơi thể hiện được vai trò, dấu ấn quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer, góp phần khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương của cộng đồng các dân tộc nói chung và đồng bào Khmer nói riêng", bà Quách Kiều Mai, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau chia sẻ.