Dù đã được báo trước về cuộc gặp, nhưng hình như chính những người trong cuộc vẫn cảm thấy bất ngờ. Thấy chúng tôi, chị Thò đánh rơi cuộn lanh đang se dở trên tay. Anh Dính đi như chạy ào ra cửa. Lũ trẻ con trong nhà tíu tít bám nhau theo ngay sau chân bố. Anh Dính cười mà khóe mắt đã ầng ậng nước: Chú Tường... Chú Tường...
Khoảng 16h50’ ngày 10/6/2024, Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang làm nhiệm vụ ứng trực hỗ trợ người dân và du khách vận chuyển hành lý do bị mắc kẹt từ hôm trước tại Km 06 đoạn Suối Cạn, đường xuống sông Nho Quế và đi 3 xã biên giới Thượng Phùng, Sơn Vĩ, Xín Cái. Thời điểm đó, Tổ công tác phát hiện 03 công dân của xã Thượng Phùng bị cuốn trôi khi vượt qua dòng nước chảy xiết.
Bất chấp hiểm nguy, nước chảy dữ dội, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Mèo Vạc đã nhảy xuống dòng nước lũ, kịp thời cứu được 02 người. 01 người khác được chặn lại bởi tảng đá giữa dòng suối, Tổ công tác nhanh trí dùng áo mưa bện thành dây để người dân bám vào đưa lên bờ an toàn.
03 người được cứu hôm đó là thành viên trong cùng một gia đình tại thôn Lủng Chư, xã Thượng Phùng gồm anh Sùng Mí Dính và vợ là chị Vừ Thị Thò, cùng người con trai Vừ Mí Pó.
Tròn 2 tháng sau ngày xảy ra trận lũ, chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mèo Vạc đi thăm lại gia đình anh Sùng Mí Dính, chị Vừ Thị Thò. Ngang qua đoạn Suối Cạn, những chiếc máy múc vẫn đang cần mẫn khua gầu, từng tốp xe ben cẩn trọng vận chuyển đất đá và hàng chục công nhân đang hối hả làm việc. Trong một tương lai gần, con đường chúng tôi đang đi chắc chắn sẽ thấp xuống, thẳng ra, gần hơn và ngắn lại, không còn là vực xoáy của nước sau những trận mưa lớn. Từ con đường này đây, hàng chục, hàng trăm những con đường nhỏ hơn rồi sẽ rẽ nhánh để về tới các thôn làng xa xôi trên mảnh đất biên cương Mèo Vạc.
Lúc này khi ngửa cổ nhìn lên thinh không vời vợi, sẽ thấy thấp thoáng mấy ngôi nhà bé tí nằm chon von trên cao, lẫn trong những dải mây bạc đang chầm chậm đu đưa trên đỉnh núi. Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường với tay chỉ: “Lủng Chư ở trên đó, không xa lắm đâu, chỉ cách trung tâm huyện 40km. Một số đoạn đường từ xã vào thôn còn khó đi, nhưng chỉ mất chừng hơn nửa ngày là sẽ đến”.
Trưởng thôn Sùng Ly Dế ra đón từ xa, trên đường qua mấy nương ngô anh giới thiệu: “Thôn Lủng Chư có 127 hộ gia đình. 100% là đồng bào dân tộc Mông. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bao năm nay, ở đây người ta không biết đến khóa sắt khóa đồng, chỉ lấy hai thanh gỗ gài bắt chéo, để ngăn gà vào nhà bới bếp mỗi khi vắng chủ”.
Anh tiếp lời: “Anh Dính chị Thò có cả thảy 6 người con. Gia đình cũng thuộc hộ nghèo nhưng vợ chồng chăm làm, ai thuê mướn gì xa mấy cũng đi. Các cháu trong nhà đều ngoan cả”.
Anh Dính tâm sự: “Nếu không có sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mèo Vạc vào ngày hôm ấy, thì quả thực gia đình không dám nghĩ mọi chuyện về sau sẽ như thế nào! Lúc về được tới nhà, mọi người trong thôn tới hỏi thăm đông lắm. Ai cũng bảo Công an Mèo Vạc mình giỏi quá, gan dạ quá”.
Lúc này, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường thân tình: “Trong hoàn cảnh đó người cán bộ, chiến sĩ nào của Tổ công tác cũng sẽ hành động như em”.
Chuyện trò một hồi lâu, lúc này chị Thò dường như mới bớt xúc động, khe khẽ cất lời: “Ngày hôm ấy hoảng hốt quá rồi cũng chẳng còn nhớ được mặt chú Tường. Hôm nay được gặp lại, gia đình vui lắm”.
Niềm sung sướng, sự cảm phục của những thành viên trong gia đình, dường như cũng lan sang cả với chúng tôi. Cháu gái út con anh chị líu lo bên mẹ, thỉnh thoảng lại tròn xoe đôi mắt ngước nhìn những người khách tới thăm nhà.
Hỏi về việc phát triển kinh tế của gia đình, anh Dính hồ hởi đưa chúng tôi đi xem khu chăn nuôi. 4 con bò và 2 con lợn nái trong chuồng đều đã tới kỳ sinh sản. Anh Dính khoe: “Chỉ cuối năm nay thôi là trong nhà sẽ có thêm con bò con và đàn lợn con nữa. Khó khăn đến đâu cũng sẽ lo cho các cháu đi học để tiến bộ”.
Trước lúc chia tay, anh Dính đến cạnh tôi, ngập ngừng hồi lâu mới lên tiếng: “Nhà báo về xuôi rửa giúp anh một tấm ảnh cả nhà chụp chung với chú Tường rồi gửi lên Lủng Chư được không? Để mai này khi mấy đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ biết được, chú ấy cũng là người thân trong gia đình mình”.
Đêm đó khi sương đã xuống dày. Qua ô cửa sổ nhỏ, xa xa phía cuối trời biên giới vẫn thấy những ngôi sao khuya tỏa ánh sáng lung linh như được ai đó thắp lên trên những đỉnh núi. Chiều nay, lúc chuyện trò cùng gia đình anh Dính chị Thò trong gian nhà nhỏ, lâu lâu ngọn lửa trong bếp cũng reo từng hồi lách tách rồi bừng lên làm sáng thêm ánh sao trên mũ kêpi của người chiến sĩ. Ánh sao ấy như góp phần soi sáng giữa trời đêm biên giới...
Trung tá Giàng Xuân Thắng – Trưởng Công an huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang thông tin: Từ ngày 6 - 10/6/2024 vừa qua, sau một trận mưa lớn kéo dài, nhiều địa bàn trong huyện đã xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Lực lượng CSGT đã chủ động phối hợp với Công an các xã, thị trấn, kịp thời tham mưu cho huyện thành lập Ban Chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn cấp huyện và cấp xã. Nhanh chóng rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Mèo Vạc không xảy ra thiệt hại về người do lũ quét.
Đảng ủy Công an huyện Mèo Vạc đã tổ chức sinh hoạt chính trị, học tập tấm gương không quản ngại hy sinh, gian khổ của đồng chí Nguyễn Mạnh Tường trong quá trình làm nhiệm vụ. Có thể khẳng định, đây không phải là hành động bột phát mà là sản phẩm trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng, giáo dục về chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mèo Vạc.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát lại 47 hố sụt có nguy cơ tiềm ẩn những tai nạn đáng tiếc trên địa bàn, để tra cấp cho lực lượng Công an những trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, nhằm đáp ứng và bám sát phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.