Ngày 30/7 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là ngày Thế giới phòng, chống mua bán người. Tại Việt Nam, từ năm 2016 đã lấy ngày 30/7 hằng năm là ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người, theo Quyết định 793 ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa trong công tác này. Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ để tiếp xúc làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm mua bán người đang có xu hướng thay đổi phương thức hoạt động “từ truyền thống sang hiện đại” các đối tượng lợi dụng nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat...) để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Bên cạnh đó, các đối tượng tiếp tục lợi dụng hoạt động tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, người có nhu cầu xuất khẩu lao động... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo sau đó lừa bán nạn nhân...
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện, nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài, trong nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 246 nạn nhân; trong đó tỉnh Lào Cai phát hiện, điều tra 1 vụ, 3 đối tượng lừa 6 nạn nhân sang Lào.
Việc xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân; từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ 11 nạn nhân, đưa về nước 9 nạn nhân…
Phát biểu tại buổi lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng và Chính phủ, các bộ, ngành và toàn dân đã có nhiều giải pháp thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác phòng, chống mua bán người, nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người ra khỏi đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu “bảo vệ an ninh con người” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thiết thực hưởng ứng chủ đề hành động của năm 2024 “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, cần thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn và là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người...
Tập trung triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng. Hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024); chủ động triển khai các điều kiện bảo đảm để thực hiện khi Luật được thông qua.
Chú trọng phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; nhất là phối hợp trao đổi thông tin, hỗ trợ xác minh điều tra khám phá vụ án, truy bắt tội phạm mua bán người, bắt cóc trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em...