Trao sinh kế, giúp bà con thoát nghèo
Là hộ gia đình mới thoát nghèo năm 2023, gia đình anh Bùi Văn Bình (ở xóm Mùi, xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) vui mừng khi được chính quyền hỗ trợ bò sinh sản từ Chương trình MTQG giảm nghèo.
Anh Bình, chia sẻ: "Gia đình tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Từ khi nhận được hỗ trợ và thường xuyên được cán bộ nông nghiệp, khuyến nông tập huấn kiến thức, kỹ năng chăn nuôi bò, các hộ dân như gia đình chúng tôi đã biết cách chăm sóc 'đầu cơ nghiệp' của mình. Chúng tôi đã trồng thêm cỏ, để bổ sung dinh dưỡng, kết hợp với nguồn thức ăn tinh, thực hiện nuôi nhốt, giữ ấm cho bò khi thời tiết lạnh sâu và chú ý tiêm phòng các bệnh thường gặp ở gia súc. Nhờ đó, đàn bò được bảo vệ trong điều kiện thời tiết bất lợi và phát triển ổn định. Đến nay, gia đình tôi đã chính thức thoát nghèo".
Cùng chung niềm vui với gia đình anh Bình, vợ chồng anh Nguyễn Văn Quyết ở xóm Sòng cũng đã được nhận hỗ trợ một con bò sinh sản. Gia đình anh vui mừng chia sẻ: "Thay mặt 38 hộ nghèo xã Độc Lập nhận được sinh kế, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Nhà nước đã giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Trước đây, chị Nguyễn Thị Đảm ở xóm Nưa quanh năm phải làm thuê, làm mướn cho hàng xóm với thu nhập bấp bênh, chỉ đủ trang trải qua ngày. Mặc dù có tinh thần “chí thú làm ăn”, chị vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó do thiếu nguồn vốn tích lũy. Tuy nhiên, nhờ nhận được hỗ trợ bò sinh sản trong đợt trao sinh kế năm 2020, chị tự nhủ sẽ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Với tính cần cù, chăm chỉ, đến năm 2022, gia đình chị Đảm đã có của ăn của để và tiếp tục đầu tư, từ đó chính thức thoát nghèo.
Anh Bình, vợ chồng anh Quyết hay chị Đảm chỉ là 3 trong số rất nhiều hộ gia đình được hưởng chính sách từ Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn TP Hòa Bình nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong những qua, Hòa Bình đã tập trung thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Nhiều tín hiệu tích cực từ Chương trình MTQG 1719
Thời gian qua, dưới dự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Hoà Bình và sự phối hợp và tạo điều kiện của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự chủ động, tích cực tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 một cách đồng bộ với những nhiệm vụ trọng tâm, thu được nhiều tín hiệu tích cực.
Trong thời gian qua, các công trình chợ đã được đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, đặc biệt là tại các vùng đồng bào DTTS và những khu vực còn khó khăn. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được triển khai, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sự phát triển của các hoạt động này đã phát huy sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, mang lại diện mạo khởi sắc cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp tổng cộng 15 công trình chợ, trong đó có 1 công trình xây mới và 14 công trình được cải tạo, sửa chữa. Theo mục tiêu đề ra tại văn bản số 4292/BCT-TTTN, ngày 25/7/2022 của Bộ Công Thương, số lượng chợ mới vượt 1 công trình so với mục tiêu ban đầu, tuy nhiên, số công trình cải tạo, nâng cấp chỉ đạt 14/16, thấp hơn mục tiêu 2 công trình.
Kết quả thực hiện tại địa phương với nguồn vốn Trung ương đã giúp tổ chức nhiều hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Một số mô hình tiêu thụ sản phẩm đã được xây dựng và triển khai, các hoạt động kết nối tiêu thụ được tổ chức thông qua các phiên chợ văn hóa, hội chợ giao lưu, diễn đàn, lễ hội gắn thương mại với du lịch. Bên cạnh đó, công tác tập huấn nguồn Nhân lực thương mại và truyền thông quảng bá sản phẩm cũng được đẩy mạnh.
Tổng kinh phí phân bổ trong giai đoạn 2021-2025 là 17.120 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 17.000 triệu đồng, ngân sách địa phương 80 triệu đồng và nguồn vốn đóng góp của dân là 40 triệu đồng. Trong năm 2024, tổng nguồn vốn đã bố trí là 3.100 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, để thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây mới 4 công trình trên địa bàn các huyện Đà Bắc (2 công trình), Lạc Thủy (1 công trình) và Cao Phong (1 công trình xây mới). Trong năm 2025, sẽ thực hiện 3 công trình chuyển tiếp từ năm 2024 với tổng kinh phí 4.600 triệu đồng, bao gồm 2 công trình tại huyện Đà Bắc và 1 công trình tại huyện Cao Phong.
Hiện nay, tỉnh có 94 chợ, trong đó chủ yếu là chợ hạng 3 và chợ tạm, với cơ sở vật chất đã xuống cấp và diện tích xây dựng nhỏ hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu mua bán của người dân. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chợ nông thôn còn rất hạn chế, chủ yếu được huy động từ các nguồn vốn khác.
Giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Hoà Bình đã giao cho UBND các huyện đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp mạng lưới chợ, nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của Nhân dân. Cùng với đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, gắn thương mại với du lịch, và xây dựng các mô hình tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cho vùng đồng bào DTTS.
Việc xúc tiến quảng bá và tiêu thụ sản phẩm được xác định là yếu tố quan trọng giúp kết nối các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình MTQG đã hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tỉnh đã tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố. Thông qua các hoạt động xúc tiến này, sản phẩm của vùng đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình đã được quảng bá đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo lập thị trường ổn định và mở rộng kênh tiêu thụ.
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Hoà Bình đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp các chợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, hội chợ, giao lưu văn hóa và kết nối tiêu thụ sản phẩm.