Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện tại 10 xóm vùng II của thị trấn Hùng Quốc, xã Quốc Toản và 8 xã ĐBKK thuộc khu vực III của huyện Trà Lĩnh với 3.720 hộ được thụ hưởng.
Từ năm 2011 đến nay, huyện đã phân bổ hơn 8 tỷ đồng vốn dự án để hỗ trợ giống lúa mới, ngô, cây ăn quả các loại và gia súc, gia cầm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Dự án còn hỗ trợ công cụ lao động, máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm nông nghiệp, như: Máy thái thức ăn gia súc, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy phun thuốc trừ sâu…Nhờ đó, giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Gia đình anh Hoàng Văn Mông, xóm Mán Đâu, xã Xuân Nội là một trong những hộ thuộc diện nghèo nhận được sự hỗ trợ của Chương trình 135. Năm 2015, anh được hỗ trợ một con lợn giống sinh sản, tháng 11/2016, gia đình anh được hỗ trợ 50 con vịt giống. Khi được hỗ trợ lợn giống và vịt từ Chương trình 135, gia đình anh quyết tâm thực hiện chăn nuôi theo đúng kỹ thuật hướng dẫn để có thu nhập. “Hiện, tôi đã bán hơn 10 con vịt, thu hơn 2 triệu đồng, chuẩn bị bán đàn lợn con và số vịt còn lại. Tiền thu được từ bán lợn giống, tôi sẽ đầu tư nuôi thêm lợn nái để phát triển đàn lợn” anh chia sẻ.
Thành công khác là, qua thực hiện triển khai các dự án, chương trình, người dân đã thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp; biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, từng bước tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, như: trồng quýt ở xã Quang Hán; trồng rau 2 xã: Quốc Toản, Cao Chương; vỗ béo trâu, bò ở xã Lưu Ngọc..., góp phần nâng cao đời sống người dân, đặc biệt nhiều hộ nghèo sau khi được hỗ trợ đã thoát nghèo.
Hiện nay việc triển khai, thực hiện dự án hỗ trợ PTSX đang có một số vướng mắc như, thủ tục đầu tư phức tạp, trong khi cán bộ địa phương còn lúng túng trong việc lập báo cáo kinh tế kỹ thuật làm ảnh hưởng đến các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; việc khảo sát, xét duyệt đối tượng thụ hưởng và kiểm tra dự án đang triển khai tại xã chưa tốt. Vì vậy, việc triển khai dự án ở một số địa phương còn chậm, nội dung hỗ trợ mang tính thời vụ, chưa kịp thời; một số nội dung thuộc dự án thực hiện manh mún. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách còn hạn chế, một số hộ nghèo chưa có ý chí vươn lên…
Ông Hà MInh Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Lĩnh cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về Dự án, phổ biến cho nông dân các chế độ, chính sách thụ hưởng. Các cấp phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ của từng thành viên trong kiểm tra, giám sát thực hiện Dự án và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chủ đầu tư cấp xã, thường xuyên kiểm tra, phát hiện những sai phạm. Thực hiện kịp thời việc hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi, các loại nông cụ thiết yếu phục vụ sản xuất để từng bước hình thành vùng nông sản hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế. Làm tốt công tác khảo sát đối tượng thụ hưởng, rà soát tất cả nội dung trước khi quyết định đầu tư, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn chương trình khác. Đây là một trong những biện pháp quan trọng bởi chỉ đầu tư đúng địa chỉ thì đồng vốn mới phát huy hiệu quả.
NGỌC DUNG