Tăng nghèo phát sinhDưới chân núi Khe Ma, 70 hộ dân của bản Tủ (xã Lương Sơn, Văn Chấn, Yên Bái) sinh sống quây quần dọc đôi bờ con suối nhỏ. Như chia sẻ của Trưởng bản Hà Văn Tuyên, từ 50-70 năm nay, bản chưa một lần hứng chịu thiên tai nặng nề; có chăng thì trong những lần mưa lớn, nước suối dâng cao, chia cắt lối đi lại của các hộ hai bên bờ suối.
Nhưng giờ Trưởng bản Hà Văn Tuyên đã không còn suy nghĩ như vậy nữa. Do ảnh hưởng bão số 3, rạng sáng ngày 20/7/2018, chỉ trong chốc lát, con suối dưới chân núi Khe Ma đã biến thành dòng thác hung dữ kéo theo đất đá, cuốn sập, vùi lấp và làm hư hại 17 ngôi nhà.
Sau cơn lũ dữ, bản có 3 người chết và mất tích; toàn bộ tài sản, hoa màu của nhiều gia đình bị nước cuốn hoặc bị đất đá vùi lấp. Nhiều gia đình đang có của ăn của để bỗng chốc trắng tay. Như gia đình ông Lường Quang Đạt, ngoài ngôi nhà sàn cùng tài sản bị vùi lấp thì toàn bộ diện tích lúa và ao cá chuẩn bị cho thu hoạch cũng trôi theo cơn lũ ống.
Bản Tủ chỉ là một trong rất nhiều điểm chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Chỉ từ đêm 19-21/7/2018, ngoài thiệt hại về người (28 người thương vong, mất tích) thì toàn tỉnh có 4.170 ngôi nhà bị thiệt hại; trên 2.100ha lúa, hoa màu, 1.258 con gia súc, gia cầm, trên 198ha thủy sản bị ảnh hưởng; 422 tuyến đường, cầu, cống bị hư hỏng, sập, trôi; ước tính thiệt hại trên 200 tỷ đồng.
Với một gia đình miền núi, vùng khó khăn thì căn nhà, đàn gia súc, gia cầm hay những vật dụng sinh hoạt thiết yếu,… là những tài sản không dễ mà có được. Ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thì bà con phải nỗ lực rất nhiều. Đây cũng là những chỉ số để họ thoát khỏi danh phận hộ nghèo. Nhưng chỉ trong tíc tắc, mọi nỗ lực giảm nghèo của chính quyền các cấp và của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước dữ; nhiều gia đình đã thoát nghèo nhiều năm nhưng nay đứng trước tương lai trở lại hộ nghèo.
Điều này phần nào lý giải được vì sao ở khu vực miền núi, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc luôn có số lượng hộ nghèo phát sinh cao. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2017, cả nước có 107.499 hộ nghèo phát sinh trong năm 2017, trong đó khu vực miền núi phía Bắc có 37.858 hộ nghèo phát sinh (riêng Yên Bái có 2.639 hộ nghèo phát sinh trong năm 2017). Trước đó, năm 2016, cả nước có 153.537 hộ nghèo phát sinh; riêng khu vực miền núi phía Bắc có tới 43.668 hộ nghèo phát sinh.
Nguy cơ tái nghèo caoCùng với tình trạng nghèo phát sinh hàng năm thì nguy cơ tái nghèo luôn tiềm ẩn. Trong 3 năm liên tiếp gần đây, số lượng hộ cận nghèo vẫn ở mức đáng báo động.
Theo Quyết định 862/QĐ-LĐTBXH ngày 04/7/2018, cả nước hiện có 1.304.680 hộ cận nghèo. Trước đó, năm 2016, cả nước có 1.306.928 hộ cận nghèo; năm 2015 là 1.235.784 hộ. Cùng với hộ tái nghèo thì số hộ cận nghèo (có giảm nhưng không nhiều) trong những năm qua cho thấy, việc giảm nghèo chưa thật bền vững, đa phần hộ thoát nghèo đều chỉ mới xuống hộ cận nghèo.
Trong khi đó, hộ cận nghèo là những đối tượng rất dễ bị tác động bởi các điều kiện tự nhiên cũng như sự thay đổi của kinh tế-xã hội. Chỉ cần thiên tai, dịch bệnh xảy ra, hoặc nền kinh tế biến động xấu, hộ cận nghèo có thể trở thành hộ nghèo trong thời gian rất ngắn.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác giảm nghèo ở các địa phương miền núi cứ trầy trật. Thậm chí, có một số địa phương, sau rà soát, số hộ thoát nghèo gần tương đương với số hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh trong năm.
Như Sơn La, theo Quyết định 862/QĐ-LĐTBXH, ngày 04/7/2018 phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh này có 15.486 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 5,67%. Nhưng cũng trong năm 2017, Sơn La có 8.252 hộ tái nghèo và 8.101 hộ nghèo phát sinh; nếu cộng cả hộ tái nghèo và nghèo phát sinh thì nhiều hơn số hộ thoát nghèo (16.353 hộ).
Trên thực tế, hộ cận nghèo có nhiều điều kiện hơn để vươn lên so với hộ nghèo; đầu tiên và trên hết là kinh nghiệm đã được tích lũy để thoát nghèo, bởi đa số hộ cận nghèo đều đã từng là hộ nghèo. Do vậy, để giảm nghèo bền vững thì ngoài chính sách cho hộ nghèo thì hộ cận nghèo là đối tượng cần được quan tâm nhất.
Một vấn đề cũng cần lưu ý là, hiện nay, ngoài chính sách cho hộ nghèo (từ năm 2013 bổ sung thêm chính sách tín dụng cho hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg) thì hộ mới thoát nghèo chưa được quan tâm thấu đáo. Hầu hết những hộ mới được công nhận thoát nghèo điều kiện kinh tế tuy khá hơn trước nhưng chưa ổn định, rất dễ rơi vào tình trạng tái nghèo nếu gặp rủi ro.
Hiện hộ mới thoát nghèo đã được vay vốn tín dụng theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg; tuy nhiên lại bị “siết” bởi rất nhiều quy định. Đó là: để được vay vốn thì hộ mới thoát nghèo là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo; hằng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo. Ngoài ra, lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% và thời hạn tối đa 5 năm cũng là một cái khó. Để giảm nghèo bền vững, thiết nghĩ, chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo là cần thiết, nhưng sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp cũng cần được xem như một giải pháp.
SỸ HÀO