Chị Lê Hồng Thanh, người có thâm niên lâu năm trong nghề nuôi và đánh bắt cá trên lòng hồ Ya Ly, cho biết: “Đầu năm 2020, tôi có nuôi thí điểm 3 lồng ếch, mỗi lồng 1.000 con. Các kiến thức nuôi ếch được tôi tìm hiểu trên mạng internet và những người nuôi ếch ở địa phương khác. Sau gần 3 tháng, tôi đã xuất lồng bán được 9 tạ ếch với giá 50.000 đồng/kg. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy có vào kiểm tra, thấy mô hình này hiệu quả và phù hợp với địa phương nên đã hỗ trợ cho người dân”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết, đầu tháng 6/2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy đã hỗ trợ cho 6 hộ dân ở làng Chờ hơn 25.000 con giống và thức ăn ban đầu. Xã tích cực vận động người dân địa phương tham gia mô hình. Vì để được nhận hỗ trợ người dân phải có lồng nuôi nên chỉ có hai người địa phương tham gia, còn lại là những người làm nghề nuôi và đánh bắt cá trên lòng hồ.
Đưa chúng tôi ra thăm 2 lồng ếch vừa tái thả giống, Anh A Dảo, một trong những người tham gia mô hình phấn khởi cho biết, vừa qua 2 lồng ếch hơn 5.000 con do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ anh đã bán hết, tổng cộng được hơn 3 tạ, thương lái vào thu mua tận nơi với giá 45.000 đồng/kg. Vì đây là lần đầu nuôi nên anh chưa có kinh nghiệm, khiến 30% số ếch được hỗ trợ bị chết. Vừa qua, anh mua lại 2.000 con giống với giá 2,8 triệu đồng để tiếp tục nuôi. Lứa mới, anh đã có kỹ thuật chăm sóc nên hạn chế được số lượng ếch chết hơn.
“Thời gian ban đầu tôi cho ăn cám, khi ếch được hơn 2 tuần tuổi tôi bắt đầu cho ăn cá mương. Vì bận rộn với công việc nên mỗi ngày tôi mua khoảng 10 kg cá mương với giá 50.000 đồng, trung bình một lứa ếch tốn khoảng 3 triệu tiền thức ăn. Trừ mọi chi phí, sau 2 tháng nuôi thử nghiệm tôi thu lãi khoảng 5 triệu đồng. Vì xác định sẽ gắn bó lâu dài, trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm rớ bắt cá để tiết kiệm chi phí thức ăn”, anh Dảo cho biết thêm.
Cùng tham gia mô hình nuôi ếch, anh A Chứ cũng được hỗ trợ giống và thức ăn cho hai lồng ếch. Anh Chứ cho biết: Khi tham gia mô hình, tôi chỉ phải làm lồng nuôi với chi phí hơn 1 triệu đồng/cái và công chăm sóc. Ban đầu, chưa có kỹ thuật làm lồng, đáy lồng tôi chỉ làm 1 lớp lưới, nên chân ếch bị các loại cá bên ngoài gây lở loét và chết dần. Bên cạnh đó, đối với ếch con dễ mắc bệnh đường ruột, vẹo cổ do bị hóc xương cá, nên thời gian đầu nên cho ếch ăn cám là cách tốt nhất.
Hiện tại đàn ếch của anh Chứ còn khoảng 2.000 con, trọng lượng hơn 300 gram/con. Vì anh Chứ làm nghề đánh bắt cá, nên ngày nào cũng có cá mương cho ếch ăn, không tốn chi phí chăm sóc. Hiện tại, gia đình anh Chứ chưa có nhu cầu xuất lồng, nên anh chỉ bán lẻ cho người dân trong xã với giá 70.000 đồng/kg.
“Chờ ếch lớn hơn, tôi sẽ bán hết sau đó sẽ mua giống về tái lồng. Tôi thấy nuôi ếch rất đơn giản, cho thu nhập tương đối cao và đặc biệt phù hợp với những người có nghề nuôi và đánh bắt cá. Cái khó của gia đình tôi là chưa có nhà bè riêng, vẫn còn gửi nhờ lồng trên bè người nuôi cá. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tằn tiện để đầu tư một nhà bè riêng và mở rộng mô hình nuôi ếch của gia đình”, anh Chứ cho hay.
Là người làm nghề đánh bắt trên lòng hồ Ya Ly, ông Nguyễn Xuân Hồng được huyện Sa Thầy hỗ trợ 4 lồng ếch, khoảng 9.000 con. Vừa qua, ông Hồng đã bán được 1 tạ ếch với giá 60.000 đồng/kg. Vì ông Hồng là ngư phủ nên có lồng và nhà bè sẵn, nên việc nuôi ếch đối với ông Hồng rất đơn giản.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết: Mô hình nuôi ếch cho hiệu quả rất đạt, đầu ra luôn bảo đảm, chi phí đầu tư cũng tương đối thấp, cách chăm sóc khá đơn giản và phù hợp với những người làm nghề đánh cá. Trong thời gian tới, xã sẽ vận động thêm một số hộ dân là người DTTS trên địa bàn tham gia mô hình nuôi ếch để phát triển kinh tế./.