Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống của người dân vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Năm 2017, gia đình chị Nông Thị Thu (thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn) ngụ xóm Pò Peo, xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh được hỗ trợ 5 con gà giống (tổng trị giá 100 ngàn đồng) từ nguồn vốn của QĐ102. Sau ba tháng chăm sóc, chị Thu đã cho xuất lứa gà đầu tiên (gần 15kg gà thịt), bán được ngót 2,6 triệu đồng. Từ số tiền này, chị Thu mua giống ngô, lúa để canh tác thêm trên ruộng mượn của hàng xóm, cuối năm chị thu hoạch được gần 15 bao thóc và 5 bao ngô. Tuy chưa thực sự thoát nghèo, nhưng chị có được kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua QĐ102.
Chị Nông Thị Thu bộc bạch: Gia đình thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay. Được hỗ trợ gà giống và cám nuôi, lại được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên tôi đã biết cách để nuôi gà. Với nông dân nghèo, được hỗ trợ một đồng cũng quý. Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa với các chương trình hỗ trợ thiết thực để bà con thêm điều kiện cải thiện cuộc sống.
Tại huyện Hạ Lang, gia đình anh Hoàng Văn Nhất, xóm Bản Lẹn, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang được hỗ trợ 3kg phân bón ruộng và 10kg ngô giống trong năm 2017. Anh Nhất bộc bạch: Những năm trước đây, tôi chưa hiểu rõ về chính sách trợ giá và chỉ nghe nói mua một vài mặt hàng ở cửa hàng của Nhà nước, thì giá rẻ hơn ở những cửa hàng khác. Vì điều kiện đường sá đi lại khó khăn, tiện đâu mua đó, nên tôi ít được trợ giá. Từ khi được hỗ trợ trực tiếp phân bón, giống lúa, ngô mới nên gia đình tôi đã chủ động hơn trong phát triển sản xuất.
Bà Nông Thị Huệ, Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Thực hiện Quyết định số 102, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bình xét công khai và có sự tham gia của các đoàn thể, chính quyền địa phương. Các địa phương trong tỉnh có đối tượng thụ hưởng đều được phổ biến rộng rãi các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn và yêu cầu các gia đình lựa chọn, đăng ký hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật, các đối tượng thụ hưởng phải có tinh thần trách nhiệm trong quá trình được hỗ trợ, thụ hưởng.
Bà Huệ cho biết thêm: Trước đây thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá, hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu như: giống cây trồng, phân bón, dầu, muối... được giao cho các công ty cung ứng. Người dân vùng khó khăn khi mua các mặt hàng này thì mới được hưởng, hộ nào không có tiền mua thì không được hưởng chính sách này. Mặt khác nếu mua những mặt hàng này ở những cửa hàng không được trợ giá, trợ cước thì cũng không được hỗ trợ. Nay chính sách hỗ trợ trực tiếp giao cho UBND xã làm chủ đầu tư nên các hộ nghèo đều thụ hưởng, đảm bảo nhanh, đúng đối tượng, kịp thời vụ.
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, sau gần 9 năm thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo QĐ102, đến nay, có 1.275.468 lượt nhân khẩu thuộc hộ nghèo được hưởng thụ chính sách này với tổng số vốn hơn 115 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2010-2013, thực hiện hỗ trợ bằng tiền mặt cho 654.348 lượt người với kinh phí hơn 60 tỷ 838 triệu đồng, giai đoạn 2014-2017, thực hiện hỗ trợ bằng hiện vật (bột canh, muối i ốt, giống cây trồng, vật nuôi...) cho 621.120 lượt người với kinh phí hơn 54 tỷ 653 triệu đồng.
MINH THU