Ông Đinh Duy Nghĩa gắn bó với nghề nuôi dông cho thu nhập caoNuôi dông để giảm nghèo
Trở lại vùng cát trắng Hòa Thủy vào những ngày đầu tháng 4/2025, cách TP. Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Chi bộ thôn đang sôi nổi chia sẻ về nghề nuôi dông - mô hình sinh kế hiệu quả của nông dân địa phương.
Hòa Thủy hiện có 668 hộ với 2.788 nhân khẩu. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trên 50ha ruộng lúa và 50ha hoa màu được tưới từ nguồn nước ngầm dưới chân động cát, chuyên canh các loại cây như măng tây xanh, đậu phộng, rau cải... Trong đó, hơn 300 hộ phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi bò đực vỗ béo, đặc biệt có 50 hộ mạnh dạn nuôi dông trên vùng cát với tổng diện tích chuồng trại khoảng 15ha. Người dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như rau cải, rau muống, cà mở làm thức ăn cho dông, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Mô hình chuồng nuôi dông của gia đình ông Đinh Duy NghĩaLoài bò sát bốn chân “chạy nhanh như gió và nhát hơn thỏ” này không chỉ thích nghi tốt với vùng cát trắng mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Mỗi năm, nghề nuôi dông ở Hòa Thủy cung cấp trên 3 tấn dông thương phẩm cho thị trường các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh. Thịt dông giàu dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn được thực khách ưa chuộng như dông nướng sa tế nguyên con, gỏi dông xúc bánh tráng, chả thịt dông...
Các hộ tiêu biểu như ông Nguyễn Càng, Nguyễn Kẹp, Đinh Duy Nghĩa, Đào Khả... là những người đi đầu trong việc nuôi dông bền vững, với thu nhập trung bình đạt 50 -70 triệu đồng mỗi năm. Nhờ hiệu quả từ mô hình này, cuối năm 2024, số hộ nghèo toàn thôn giảm xuống còn 14 hộ, chiếm 2,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Càng gắn bó với nghề nuôi dông, tạo thu nhập, bảo đảm cuộc sống khi đã cao tuổiChỉ tay về phía Đông thôn Hòa Thủy - nơi những dải cát đỏ au trải dài hàng trăm mẫu tây, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Khu vực động cát đó chính là ‘thủ phủ’ của nghề nuôi dông sinh sản. Bà con ra đó xây dựng chuồng trại, thả nuôi hàng ngàn con dông theo hình thức bán thâm canh.”
Chuồng trại nuôi dông được thiết kế khá đơn giản nhưng hiệu quả. Người dân đào móng, xây tường bao bằng đá chẻ sâu từ 50 - 60cm, nền chuồng lót lưới nhựa cứng để hạn chế dông đào hang thoát ra ngoài. Phía trên được xây tường gạch táp-lô cao khoảng 1,5m hoặc dùng lưới thép để rào xung quanh. Trên nền chuồng, bà con đắp mô đất, kết hợp trồng cỏ và cây xanh tạo môi trường gần giống tự nhiên giúp dông sinh trưởng khỏe mạnh.
Thức ăn cho dông chủ yếu là các loại rau cải, rau muống, đậu phộng - những “món khoái khẩu” của loài bò sát này. Ngoài ra, trong môi trường chuồng nuôi bán tự nhiên, dông còn có thể tự tìm kiếm các loại côn trùng như kiến, mối… để bổ sung dinh dưỡng. “Nhờ nghề nuôi dông mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân trong thôn đã có nguồn thu ổn định, đời sống được nâng lên rõ rệt,” ông Toàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Càng thái dưa mỡ trồng từ vườn nhà làm thức ăn nuôi dôngĐộc lạ nghề nuôi dông
Anh Trần Thanh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Hòa Thủy dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Càng - một trong những người tiên phong thực hiện mô hình nuôi dông trên cát tại khu vực động Dốc Nuôi. Ngồi bên chuồng dông, ông Càng kể lại chuyện đời, chuyện nghề bằng giọng trầm ấm và đầy tâm huyết.
Từ thuở nhỏ, ông đã theo cha lặn lội giăng bẫy, đào hang bắt dông khắp vùng động cát Hòa Thủy. Nhờ vậy, ông hiểu rõ đặc tính sinh trưởng và thói quen sinh hoạt của loài bò sát có thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao này. Năm 2009, khi vừa bước qua tuổi 60, nhận thấy sức khỏe dần yếu đi, ông quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi dông để tạo sinh kế ổn định. Ông đầu tư hơn 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại rộng 1.000m², mua 5kg dông giống từ tự nhiên về thả nuôi, chăm sóc kỹ lưỡng với nguồn thức ăn tươi sạch. Nhờ hiểu tập tính con vật, đàn dông phát triển khỏe mạnh, sinh sản nhanh, gần như không mắc bệnh.
Anh Nguyễn Sạch phấn khởi với nghề nuôi dông cho thu nhập ổn định. Sau 3 năm, ông Càng xuất bán lứa dông đầu tiên, thu về hơn 50 triệu đồng - đủ để thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Có đà phát triển, ông mở rộng mô hình lên ba chuồng với tổng diện tích 3.000m², duy trì đàn giống hơn 2.000 con dông cái. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán từ 100 - 150kg dông thương phẩm, mang lại thu nhập ổn định 70 - 80 triệu đồng. Kết hợp với việc chăn nuôi 4 con bò lai Sind vỗ béo và trồng 2 sào măng tây xanh, ông Càng đã có được cuộc sống no ấm từ chính vùng đất cát từng khô cằn, khắc nghiệt.
Cách đó khoảng 1km là gia trại của anh Đinh Duy Nghĩa - người cũng đã có hơn một thập kỷ gắn bó với nghề nuôi dông. Khu nuôi của gia đình anh rộng khoảng 250m², nơi hàng trăm con dông tơ bò ngổn ngang trên nền cát tìm thức ăn. Năm 2013, anh Nghĩa mạnh dạn đầu tư hơn 20 triệu đồng để dựng chuồng, đổ 30 xe bò cát phủ nền, kết hợp trồng cỏ tạo không gian sinh thái tự nhiên. Anh mua 10kg dông giống với giá 300.000 đồng/kg và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với nghề “làm chơi ăn thiệt”.
Con dông đực nuôi 24 tháng, có thể đạt trọng lượng 250 gram, thương thái thu mua tại chuồng 650 - 700 ngàn đồng/kgTheo anh Nghĩa, dông từ lúc nở đến khi trưởng thành mất khoảng 12 tháng thì bắt đầu sinh sản, mỗi năm một lứa, từ 4 - 5 trứng. Trứng dông được đẻ trong hang và sau 5 - 6 tuần sẽ nở ra dông con. Chỉ vài ngày sau khi nở, dông con đã có thể bò ra khỏi hang để tự kiếm ăn. Tùy theo điều kiện chăm sóc, thời gian nuôi để xuất bán dông thương phẩm dao động từ 20 - 24 tháng. Với giống dông thềm, con trống khi xuất chuồng đạt trọng lượng 4 - 5 con/kg; con mái khoảng 6 - 8 con/kg. Còn giống dông cỏ nhỏ hơn, trọng lượng khoảng 10 -12 con/kg.
“Nuôi dông như bỏ tiền vào ống - khi cần thì bắt vài ba ký bán cho thương lái, giá hiện tại từ 600.000 - 700.000 đồng/kg,” anh Nghĩa chia sẻ. Với chỉ 250m² diện tích nuôi dông, mỗi năm anh thu về khoảng 20 - 25 triệu đồng. Kết hợp với việc canh tác 5 sào lúa, 2 sào hoa màu và nuôi 3 con bò vỗ béo, gia đình anh Nghĩa cũng có cuộc sống ổn định, không còn lo cơm áo.
Cận cảnh đàn dông được nuôi tại nhà ông Đinh Duy NghĩaTheo ông Lê Văn Miên, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hải, mô hình nuôi dông ở Hòa Thủy ngày càng phát triển bài bản, hiệu quả. Người dân đã thành lập Tổ liên kết nuôi dông với 20 thành viên, hỗ trợ nhau về con giống, kinh nghiệm kỹ thuật và thông tin thị trường. Mô hình không chỉ góp phần đa dạng hóa sinh kế mà còn nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng xã Phước Hải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025.