Lấy người dân làm trung tâm phục vụ
Lăk là một trong những huyện nghèo của tỉnh Đăk Lăk; hiện toàn huyện có 19.284 hộ thì có 4.868 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 25,24%. Với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và nhân thức của người dân về ý nghĩa của việc tham gia BHYT nên chính sách an sinh xã hội này hiện cơ bản đã bao phủ trên địa bàn 11 xã thị trấn của huyện.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk Nguyễn Tri Hảo, tỷ lệ khám chữa bệnh (KCB) bằng thẻ BHYT trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ gần 100%. Để giảm tải các thủ tục hành chính qua công tác KCB, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn người dân sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc cài đặt ứng dụng VssID (BHXH số) của ngành BHXH. Các ứng dụng chuyển đổi số đã hỗ trợ rất lớn cho hoạt động KCB bằng thẻ BHYT, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện.
Chị H’Nang Bkrông, ở buôn Yuk La, xã Đăk Liêng là một trong những người dân ở huyện Lắk cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại. Chị cho biết, với việc cài đặt ứng dụng này, khi đi KCB, chị không cần phải mang nhiều loại giấy tờ tùy thân và thẻ BHYT giấy như trước đây. Bên cạnh đó, qua ứng dụng, chị cũng dễ dàng tra cứu thông tin về thời gian tham gia bảo hiểm, lịch sử KCB, các loại thuốc mà bản thân mình sử dụng…
Được biết, thời gian qua, xác định việc chuyển đổi số là giai pháp quan trọng để phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao, BHXH huyện Lắk đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người có thẻ BHYT cài đặt, đăng ký và sử dụng ứng dụng VssID; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tích hợp thẻ BHXH trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2022, hơn 19.000 người dân có thẻ BHYT đã cài đặt ứng dụng VssID; hơn 45.000 thẻ CCCD gắn chíp điện tử đã được tích hợp thẻ BHYT (đạt tỷ lệ 62,2%).
Theo ông Vũ Văn Hải, Giám đốc BHXH huyện Lắk, việc triển khai ứng dụng VssID và tích hợp thông tin thẻ BHYT lên thẻ CCCD gắn chíp, là giải pháp quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế cho thấy, số hóa các giấy tờ, hồ sơ bảo hiểm không chỉ thuận lợi cho người sử dụng mà rất hữu ích cho cơ quan quản lý.
Tích cực kết nối, chia sẻ
Những nỗ lực trong chuyển đổi số lĩnh vực BHXH tại huyện Lăk của tỉnh Đăk Lăk, cũng là tinh thần chung trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở các địa phương trên cả nước.Chuyển đổi số không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành BHXH kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho người dân. Ngay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, từ kết quả chuyển đổi số, ngành BHXH vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, qua đó giúp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách.
Hiện, ngành BHXH Việt Nam đang quản lý dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình; trong đó có 90,5 triệu người tham gia BHYT, 15,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, 4,9 triệu người hưởng các chế độ BHXH, BHTN. CSDL kết nối trực tuyến với hơn 13.000 cơ sở KCB, xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ trực tuyến hằng năm; trong đó, trung bình mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT.
Chỉ tính riêng việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được đưa ra tại hội nghị tổng kết ngày 26/12/2022 cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.
Khối lượng thực hiện chính sách khổng lồ đó, đã được ngành BHXH Việt Nam kịp thời giải quyết phù hợp với bối cảnh dịch bệnh thông qua Cổng dịch vụ công của ngành và Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, thời gian qua, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã đi đúng hướng, đúng trọng tâm. Điều này được thể hiện rõ, khi ngành BHXH Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đối số.
Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 của các bộ, ngành, địa phương thì BHXH Việt Nam tăng một bậc, vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng.
Ông Mạnh cho biết thêm, dấu ấn chuyển đổi số nổi bật nhất của ngành là xây dựng, triển khai Cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về Bảo hiểm. CSDL Quốc gia về Bảo hiểm là 1 trong 6 CSDL Quốc gia quan trọng ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. BHXH Việt Nam được Chính phủ giao là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành CSDL quốc gia về Bảo hiểm.
“BHXH Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc kết nối và chia sẻ giữa CSDL Quốc gia về bảo hiểm với CSDL khác qua trục dữ liệu Quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, viết tắt là NGSP nay đổi thành NDXP.
Từ 2019 đến nay, đã thực hiện hơn 500 triệu lượt xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp qua hệ thống trục này. Hiện BHXH Việt đang đang tích cực tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu qua trục NDXP”, ông Mạnh cho hay.
Theo Tổng Giám đốc NHXH Việt Nam, việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu trong CSDL Quốc gia về bảo hiểm có lợi ích không chỉ với cơ quan quản lý Nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thụ hưởng chính sách. Người dân được quyền trích xuất thông tin của mình trong CSDL Quốc gia về bảo hiểm để quản lý, theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN, quá trình hưởng BHXH, BHYT, BHTN và các thông tin liên quan khác để biết và bảo vệ quyền lợi của mình và gia đình.
“Hiện nay, gần 30 triệu người tham gia hoàn toàn có thể xem thông tin của mình trên ứng dụng VssID. Dữ liệu trích xuất được ký số của BHXH Việt Nam và có giá trị như văn bản giấy xác nhận của BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam đã triển khai xong về mặt kỹ thuật bản điện tử sổ BHXH, thẻ BHYT và có thể triển khai ngay trong quý I/2023. Đây là tiền đề quan trọng để cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Từ tháng 3/2022, BHXH Việt Nam triển khai thí điểm tính năng KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Tính đến hết tháng 11/2022, toàn quốc đã có 11.945 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp điện tử, đạt 91,5% tổng số cơ sở KCB BHYT trên cả nước. Số người sử dụng, tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp đã đạt hơn 4,248 triệu người.