Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Thực dân Pháp đã vào thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn.
Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Trước tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh Liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất, cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh Liệt sĩ.
Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Và cũng từ đó đến nay, ngày thương binh liệt sĩ, đã trở thành ngày mà cả nước dành sự tri ân đặc biệt đến những con người đã không tiếc máu xương và tuổi xuân xanh vì sự bình yên trường tồn của dân tộc.
Không tri ân sao được khi cả nước có gần 800 ngàn thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh; hơn 300 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam; gần 111 ngàn người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày... sau hai cuộc chiến vệ quốc.
Không biết ơn sao được, khi trên dải đất hình chữ S này, đã có gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc chiến vệ quốc. Đấy là còn chưa kể đến hơn 200 ngàn liệt sĩ chưa được tìm thấy sau hàng chục năm đất nước im tiếng súng nhưng chưa ai dám khẳng định, đâu là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cuối cùng… Và, còn hơn 4 triệu dân thường đã bị chết, bị thương tật suốt đời do bom đạn, do kẻ thù giết hại…
Những con số về liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng… là hoàn toàn đo đếm. Nhưng, biết bao người thân của họ đã đau nỗi đau dai dẳng suốt hàng chục năm qua, dẫu đất nước đã im tiếng súng.
Mỗi tấc đất, tấc biển qua bao phen giặc giã đã nhuộm thấm máu đào bao chiến sĩ. Mỗi số phận, mỗi cuộc đời, mỗi nấm mồ… dẫu khác nhau đến rạch ròi, nhưng đều giao cắt ở một điểm chung là tự tôn dân tộc, tự tôn giống nòi… mà ngã xuống vì độc lập, tự do.
Những hi sinh lặng thầm ấy đã không hề là vô nghĩa. Đất nước ta vẫn vững vàng qua bao phen địch họa; vẫn giữ trọn vẹn giang sơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tại đền Hùng năm nào: các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước.
Tưởng nhớ những người lính đã không tiếc máu xương và tuổi xuân xanh mà ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc, đã có gần 10 ngàn công trình tri ân, ghi công liệt sĩ được dựng lên trên khắp cả nước. Dẫu “Trắng hàng bia những ngôi sao không nói”, bởi vì “Tổ quốc không mất tên Anh. Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”.
Tháng Bảy về, có ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa cùng khói hương thiêng liêng ở khắp các nghĩa trang. Tháng Bảy cũng đã đi vào tiềm thức của những người con đất Việt niềm tôn kính, biết ơn, ghi công các anh hùng liệt sĩ. Và, cũng bao tháng Bảy đã trôi qua trong đinh ninh lời thề, trong sắt son niềm nhớ của những hậu thế mãi mãi không được quên, không thể quên – ngày 27/7.
75 năm đã trôi qua là một chuỗi hành trình tri ân, biết ơn những người lính. Biết bao những mái ấm được dựng xây, những phần quà được trao tận tay cho thân nhân liệt sĩ, cho những thương bệnh binh. Rồi, những ngọn nến rực sáng trên những nấm mồ ở nghĩa trang, những đóa hoa đăng được thả trôi tưởng nhớ những linh hồn bất diệt… là tất cả sự tri ân, tưởng nhớ, biết ơn của hậu thế. Tự tim mình, thế hệ hôm nay vẫn thầm thì lời nhắc rằng: sự tri ân dẫu lớn đến nhường nào, thì vẫn mãi mãi chưa thể xứng với lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước.
Tri ân, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh sẽ không phải là những ngày tháng bảy, không phải mỗi ngày 27/7. Mà, sự tri ân ấy, phải là việc làm thường xuyên, liên tục, chẳng bao giờ có điểm kết thúc. Và còn có một sự tri ân dễ dàng thực hiện hơn, nhưng lại lan tỏa một thông điệp để xây dựng một thế hệ mới trong thời đại mới: sống xứng đáng với sự hi sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.